Trước diễn biến dịch phức tạp, khó lường Quảng Ninh đã tạm dừng tổ chức nhiều lễ hội. (Ảnh:TT)

Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành các Công điện và công văn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và lễ hội nói riêng. Bộ VHTTDL chỉ đạo tạm ngừng tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương bùng phát dịch, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; thu hẹp quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức đối với những địa phương chưa bùng phát dịch bệnh.

Sau thời gian ổn định, khống chế dịch thành công, nhiều địa phương đã lên sẵn kế hoạch, kịch bản cho các lễ hội trên địa bàn. Thế nhưng dịch bùng phát bất ngờ ngay trước tết Nguyên Đán, trước mùa lễ hội, buộc các địa phương phải thay đổi kịch bản, thay đổi phương án tổ chức thậm chí dừng hẳn các hoạt động lễ hội trên địa bàn như Hải Dương, Quảng Ninh. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, tất cả vì sự an toàn của người dân, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ và Bộ VHTTDL nhiều tỉnh thành như Hà Nội và một số nơi đều thông báo sẽ không tổ chức các hoạt động phần hội.

 Các tỉnh , thành chưa có dịch bùng phát lễ hội vẫn có thể diễn ra nhưng không có phần hội tập trung đông người. (Ảnh: TD)

Những thay đổi ngoài dự kiến ắt hẳn đã tác động và xáo trộn tâm lý của người dân trong dịp đầu Xuân. Đi lễ hội, tới đền chùa từ lâu đã trở thành một nét văn hóa truyền thống, một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dịp đầu năm. Thế nhưng, ở vào giai đoạn đặc biệt khó khăn của đất nước, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường thì rõ ràng nhu cầu đi lễ hội, được thực hành các nghi lễ tâm linh phải được nhận thức, sắp xếp lại. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm đạo đức của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước.

Xuân Tân Sửu 2021 sẽ không diễn ra nhiều lễ hội lớn, với những màn khai hội tưng bừng. Nhưng điều đó không có nghĩa những mùa xuân và hy vọng trong lòng người sẽ tắt. Theo đồng chí Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), để đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân, ở các tỉnh thành chưa có dịch bùng phát nghiêm trọng có thể chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Trong trạng thái bình thường mới, Bộ VHTTDL sẽ có những định hướng và giải pháp cụ thể cho công tác tổ chức lễ hội của từng địa phương.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, lễ hội ở các địa phương có được tổ chức hay không, không quan trọng bằng tính mạng, sự an toàn của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương được đảm bảo. Có như vậy mới thực sự có niềm vui, niềm hạnh phúc và tiếng cười trong những ngày tết đến, xuân về. Và như thế cũng có nghĩa là mùa xuân, mùa lễ hội mới thực sự tồn tại và giữ mại vẻ đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình.

 
TT