Sáng 28/5 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tăng cường công tác PCTN của MTTQ Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, trong những năm qua, nhiều văn kiện của Đảng và Pháp luật của Nhà nước đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong công tác PCTN. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định yêu cầu phải coi trọng và nâng cao vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng... Thể chế hóa quan điểm của Đảng về vai trò của MTTQ Việt Nam, tại Điều 74 Luật PCTN vừa được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thông qua đã quy định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận…

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số vấn đề cần thống nhất nhận thức và có các giải pháp để tăng cường công tác này. Do đó, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu tham dự đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền góp phần huy động được sự tham gia chủ động, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận xã hội và sự “vào cuộc” hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng. Đề xuất được các cơ chế phòng ngừa, nhất là các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trong đó quan tâm đến việc hoàn thiện những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm PCTN của MTTQ Việt Nam. Đặc biệt là làm thế nào để Mặt trận là địa chỉ tin cậy nhân dân tin tưởng phản ánh, kiến nghị liên quan đến các hiện tượng về công tác PCTN.

Đề dẫn Hội thảo đã khẳng định: Trong thực tế, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, kiên trì vận động các tầng lớp nhân dân tham gia PCTN, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và giành được sự quan tâm của các cấp Mặt trận, của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động trong nhân dân, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đối với việc PCTN. Đồng thời, qua đó cũng góp phần làm cho sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên đối với công tác này của Mặt trận được nâng cao và đang được chuyển hóa thành những hoạt động thiết thực, cụ thể.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật và giám sát công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Việc gửi lấy ý kiến Mặt trận và một số tổ chức thành viên của Mặt trận góp ý vào các văn bản luật liên quan đến nhiệm vụ về PCTN được các cơ quan tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến góp ý của MTTQ Việt Nam đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh:TH)

Tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã có những kết quả bước đầu. Cơ chế giám sát, nhất là giám sát ở cơ sở để PCTN từng bước được hoàn thiện. Các hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam được triển khai thường xuyên; những ý kiến, kiến nghị qua giám sát của Mặt trận nhìn chung đã được chính quyền các cấp, nhất là chính quyền ở cơ sở tiếp thu, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp từng bước tích cực thực hiện chức năng giám sát của mình qua việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng và giám sát việc giải quyết vụ việc đó…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ PCTN chưa thực sự được coi trọng và triển khai thường xuyên; việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôi khi còn thiếu kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia PCTN tuy có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có cơ chế hữu hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cũng như các cơ quan báo chí tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng và giám sát hoạt động đối với cơ quan công quyền. Cùng với đó một số hoạt động PCTN của Mặt trận còn mang tính hình thức, chưa rõ kết quả cụ thể, chưa thực sự huy động được sự tham gia của các tổ chức thành viên và nhân dân. Đáng chú ý, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực một số khu vực gây bức xúc cho người dân nhưng sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chưa mạnh, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; còn để xảy ra một số vi phạm trong hệ thống Mặt trận…

Theo Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Quang Minh, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong nhiệm vụ PCTN lãng phí chưa đầy đủ. Các quy định của pháp luật về công tác PCTN nói chung còn thiếu những cơ chế thật sự có hiệu quả để kiểm soát thu nhập, tài sản, ngăn ngừa tẩu tán tài sản tham nhũng; thiếu biện pháp tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như việc xử lý thiếu kịp thời, kiên quyết người trả thù, trù dập người tố cáo; việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa kịp thời nên chưa thực sự động viên, khuyến khích được người dân phản ánh, tố giác, tố cáo tham nhũng. Cùng với đó là vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để nhân dân có thể giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước mới tiến hành được bước đầu. Có nơi vẫn còn tình trạng che giấu thông tin về tham nhũng vì cho rằng đó là vấn đề "nhạy cảm"…

Các đại biểu cũng cho rằng, PCTN được xem là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, bản lĩnh mà còn phải có điều kiện rất cần thiết là nguồn lực thực hiện, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ nhân sự có phẩm chất, trình độ, có nhiệt huyết và sự am hiểu pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tổ chức bộ máy và nhân sự của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay đang trong quá trình đổi mới, kiện toàn. Ngoài ra, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mặc dù đã có các quy định của Đảng và pháp luật nhưng trong thực tiễn thực hiện thì còn rất nhiều vướng mắc, chưa thực sự phát huy được vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị trong công tác PCTN; việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao….

Từ thực tế này, các đại biểu đề xuất, để tăng cường công tác PCTN của MTTQ Việt Nam cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phải vận động và huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân, của báo chí vào công cuộc PCTN. Đặc biệt phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trong đó có các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm thực hiện PCTN của MTTQ Việt Nam.

Theo ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Phải khai thác hiệu quả thông tin mà các cơ quan báo chí của Mặt trận trực tiếp phản ánh về hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó tập trung đề xuất giải quyết một số vụ việc cụ thể với chính quyền các cấp và đi đến cùng vụ việc.

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường lưu ý, vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thì việc đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân chính là Mặt trận. Chính vì vậy, tiếng nói của Mặt trận trong cuộc đấu tranh PCTN chính là tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn. “Phải làm rõ vai trò của Mặt trận trong cuộc đấu tranh PCTN. Mặt trận phải dựa vào nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân phản ánh tham nhũng và khơi dậy tính tự giác của quần chúng nhân dân thông qua việc phát hiện những vụ việc trên địa bàn”, ông Trần Ngọc Đường nói.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác mặt trận các cấp, nhất là đối với những người trực tiếp làm những công việc có liên quan đến công tác PCTN của MTTQ Việt Nam.

Đồng thời phải xác định trên cơ sở đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh hình thức vì tính chất đặc thù của công tác này là luôn bị các áp lực từ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã biến chất, kể cả những người trực tiếp giao trách nhiệm PCTN muốn vô hiệu hóa nó và làm cho nó trở nên hình thức theo kiểu “đối phó”, “ngụy trang” để che dấu tham nhũng, thậm chí là lợi dụng chính hoạt động này để tiếp tay cho tham nhũng, đàn áp, gây khó khăn đối với người đấu tranh chống tham nhũng…/.

Thu Hà