|
Dạy trẻ bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước là giải pháp hữu hiệu phòng, chống đuối nước. (Ảnh minh họa: HM) |
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích tại Việt Nam.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Số lượng này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Năm nào cũng vậy, các vụ đuối nước luôn tăng cao vào mùa hè. Mới đây, ngày 30/6, một vụ tai nạn đuối nước làm 3 học sinh lớp 6 thiệt mạng tại Hà Tĩnh, còn vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại Hòa Bình cũng làm 1 học sinh lớp 9 thiệt mạng.
Trước đó, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng xảy ra nhiều vụ đuối nước rất đau xót, thương tâm. Đây không chỉ là nỗi đau của những gia đình có con cháu bị đuối nước tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Hàng loạt những vụ học sinh đuối nước xảy ra liên tiếp lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Theo phân tích, trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...
Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…
Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước?
Muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Khi trẻ có năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.
Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.
Để phòng chống đuối nước với trẻ em, vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ dịp hè. Các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi. Cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.
Và để không còn phải thốt lên những tiếng đau lòng “giá như…” mỗi khi xảy ra vụ đuối nước, thì điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Trẻ em là đối tượng luôn cần được chăm sóc đặc biệt, trước tiên từ cha mẹ và những người thân yêu. Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn…
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước thật không dễ dàng, song có thể giảm thiểu tối đa những vụ việc đau lòng nếu chúng ta cùng chung tay hành động!