Để lái xe “mặn mà” với thu phí không dừng 

(Chinhphu.vn) – Đến nay, có hơn 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã gắn thẻ E-tag (thẻ gắn trên kính xe để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng) nhưng phần lớn không sử dụng. Vậy, nguyên nhân từ đâu?

 

Nhân viên VETC dán thẻ E-tag lên kính miễn phí. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Vấn đề chi trả và kết nối

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng bởi đây là giải pháp thu phí tiến bộ, nhiều nước đã sử dụng rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, ông Quyền đặt ra vấn đề, vì sao lại có tình trạng hơn 800.000 xe đã gắn thẻ E-tag nhưng không sử dụng?

“Phí đường bộ hiện nay là chi phí đáng kể trong vận tải đường bộ. Đối với phương tiện kinh doanh vận tải đường dài Bắc-Nam, hiện chi phí giao thông, không tính phí bảo trì, chiếm 10-12% doanh thu, chi phí này đứng thứ 2 sau chi phí về nhiên liệu.

Trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải rất khó khăn, đầu tư mua sắm phương tiện, áp lực lãi vay ngân hàng…, nếu như chỉ dùng 1 phương thức như hiện nay là các đơn vị sử dụng phải chuyển tiền trước, đồng nghĩa với các doanh nghiệp vận tải phải vay tiền thì với những doanh nghiệp nhiều xe, đây là số tiền lớn. Một chuyến xe từ phía nam ra Lạng Sơn, nếu xe lớn thì mất cả chục triệu, với doanh nghiệp có cả trăm đầu xe, số tiền chi cho phí đường bộ trong 1 tháng có thể lên đến hàng tỷ đồng”, ông Quyền phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất 2 phương thức: Trả trước (như đang làm) và trả sau.

“Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào. Còn như hiện nay doanh nghiệp không hạch toán được”, ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều trả lương cho tài xế qua tài khoản. Vấn đề đặt ra là tại sao không tận dụng tài khoản riêng của lái xe kết nối với tài khoản thu phí không dừng?

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA Việt Nam và Lào cũng nhìn nhận, kinh nghiệm triển khai mô hình thu phí không dừng cho thấy chi phí phù hợp cũng rất quan trọng. Nếu không phù hợp sẽ tạo gánh nặng áp lực cho người dùng chính là chủ phương tiện giao thông.

 

Từ Thanh Hóa đến Nha Trang, các trạm thu phí đều đã triển khai làn thu phí không dừng.

Đa dạng nguồn thanh toán để đáp ứng tất cả nhu cầu

Công nghệ thu phí không dừng phải đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa nguồn thanh toán, trên cùng một hệ thống có thể đáp ứng tất cả nhu cầu phân khúc người tiêu dùng”, đây là “đề bài” mà bà Đặng Tuyết Dung nêu ra khi nói về các giải pháp thanh toán.

Theo bà Dung, công nghệ này được chia thành 2 nhóm giải pháp.

Nhóm 1 sử dụng công nghệ nhận diện tần suất vô tuyến đồng bộ tại các quốc gia khác trong hạ tầng thanh toán (tag and go). Theo đó có thể tích hợp thẻ thanh toán, ví thanh toán vào thẻ ETC. Khi đi qua trạm, phương tiện có thể nhận diện thông tin người tiêu dùng và tiền phí sẽ được trừ ngay vào thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử của người dùng.

Nhóm 2 sử dụng công nghệ không tiếp xúc kết hợp với công nghệ chip BNB. Công nghệ này rất đơn giản, bản chất mỗi thẻ contact miss có gắn antenna nhỏ giúp cho các thẻ đọc trong máy đọc thẻ chưa đầy nửa giây với khoảng cách 40 cm, giúp người dùng gần như không phải dừng lại.

“Tại Ấn Độ, Chính phủ triển khai thẻ Fast.etc từ năm 2020. Nếu không dùng thẻ Fast.etc, tài xế sẽ phải trả phí gấp đôi. Ngược lại, nếu dùng thẻ này sẽ được hưởng nhiều tiện ích: Tích hợp trực tiếp với thẻ ngân hàng, ví điện tử; tốc độ xử lý nhanh, lái xe hầu như không phải dừng lại. Để làm được việc này phải có tính đồng bộ và tích hợp dữ liệu giữa các trạm thu phí với chủ phương tiện là điều bắt buộc. Chủ phương tiện có thể mua thẻ Fast.etc ở bất kỳ đâu. Có khoảng 22 ngân hàng được phép phát hành thẻ Fast.etc, tại các trạm thu phí giao thông đường bộ hoặc đơn vị cung cấp thanh toán thẻ…”, bà Đặng Tuyết Dung lấy dẫn chứng.

Giám đốc VISA Việt Nam và Lào cũng cho biết, 2 công nghệ nêu trên đã được nhiều nước triển khai, tuy nhiên vẫn phải dừng chứ chưa hoàn toàn không dừng.

Hiện nay, một số nước đã triển khai công nghệ mới ưu việt hơn, đó là công nghệ lưu trữ dữ liệu. Theo đó các đơn vị vận hành giao thông có hệ thống cho các chủ phương tiện đăng ký thông tin, trong trường hợp thay đổi ngân hàng hoặc mất thẻ ngay lập tức sẽ được cập nhật lại từ ngân hàng phát hành mà người dùng không cần phải bận tâm. Đây là công nghệ hiện đại cao nhất đang sử dụng cho hệ thống thu phí không dừng.

Ông Võ Anh Tâm, Phó TGĐ Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Viettel) – chủ đầu tư giai đoạn 2 của Dự án thu phí không dừng (BOO2) – cho biết, Viettel đã thiết kế 2 hệ thống song song trả trước và trả sau, cũng giống như thuê bao di động, như VISA.

“Viettel có hệ thống thanh toán điện tử như Momo, VnPay… Các thẻ tín dụng hiện nay cũng hoàn toàn có thể đưa vào thanh toán. Ngoài ra, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang thông qua chương trình Mobil Money nên các kết nối thanh toán rất thuận tiện và đơn giản.

Với góc độ là người cung cấp dịch vụ và chủ phương tiện, chúng tôi thấy muốn hệ thống thu phí không dừng này thành công thì cần tạo ra hệ sinh thái đa mục tiêu cho thẻ này, có thể đi được tất cả các đường quốc lộ, cao tốc, các khu bến bãi của sân bay, các điểm đỗ… Người sử dụng sẽ thấy việc này có hiệu quả hơn”, ông Võ Anh Tâm cho biết.

Đại diện chủ đầu tư giai đoạn 2 của Dự án cho biết, mục tiêu là sẽ chuyển sang trả sau. Tuy nhiên việc này phải có lộ trình.

Thêm vào đó, ông Tâm cho rằng, tham khảo mô hình ở Singapore, Đài Loan, hệ thống nợ xấu các xe dán thẻ trả sau chiếm 0,6-0,7%, tức là nguy cơ xảy ra nợ xấu rất lớn cho nhà đầu tư BOT. Nếu tính ở Việt Nam, doanh nghiệp thu phí có thể chịu nợ xấu đến vài nghìn tỷ. Do đó, cần sửa đổi quy định, có chế tài với các xe không dán thẻ vẫn đi vào làn trả trước, có cơ chế xử lý những doanh nghiệp chậm trả tiền, cần chế tài rõ ràng để giảm được nợ xấu cho doanh nghiệp BOT thu phí.

Triển khai thu phí không dừng thêm 33 trạm BOT trong năm 2020

Ông Võ Anh Tâm, Phó TGĐ Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel) cho biết, theo kế hoạch, năm 2020, Liên danh nhà đầu tư (Viettel 86%, Vietinf 12% và ITD 2%) sẽ vận hành 33 trạm BOT triển khai thu phí không dừng.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu này, các chủ thể của BOT, cụ thể là các hợp đồng của các nhà đầu tư của 33 trạm này phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng, hạ tầng cũng như toàn bộ hệ thống để Liên danh mới có thể tiếp nhận. Khi có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ thành lập hệ thống panel, hệ thống kết nối, tuyên truyền, xử lý trung tâm và hệ thống back - end (phần lập trình trên sever) để triển khai sớm.

 

Phan Trang
308 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1309
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1309
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143006