Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
Thực tế đáng lo ngại
Định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường chính là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của khu vực tư nhân từ phía Nhà nước bao gồm các thể chế vận hành tốt để đảm bảo thực thi cạnh tranh tự do và công bằng (ý nói tới vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên nhiều thị trường), bảo vệ quyền tài sản và thị trường các yếu tố phát triển tốt và có khả năng cạnh tranh (tự do hóa thị trường yếu tố sản xuất: tài chính, đất đai). Các thị trường hiệu quả cũng đòi hỏi các tín hiệu giá cả ổn định và có thể dự đoán, cùng với cân đối kinh tế vĩ mô bền vững. Điều này lại đòi hỏi phải phát triển các thể chế kinh tế vĩ mô linh hoạt và đáng tin cậy để quản lý các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Tôi nhận thức rằng, để kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cần nhất là (i) khung khổ, hành lang pháp lý công khai, minh bạch; (ii) bộ máy quản lý nhà nước hiệu quả, có trách nhiệm; (iii) đội ngũ công chức, viên chức thực thi công vụ tận tâm, tận tụy, liêm khiết. Còn lại tất cả sẽ do doanh nhân, doanh nghiệp, thị trường định đoạt. Người doanh nhân khi khởi sự, khởi nghiệp đều chấp nhận rủi ro thị trường với tâm thế “mình làm mình chịu”. Cho dù có các phương án sản xuất kinh doanh tốt đến mấy đi nữa, nhưng thị trường vẫn luôn là “chiến trường”. Tuy nhiên, doanh nghiệp chấp nhận những rủi ro này một cách sòng phẳng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, rủi ro từ phía Nhà nước đang là vấn đề đáng lo ngại nhất. Nhiều người còn không ngần ngại khi nói rằng 90% rủi ro đối với kinh tế tư nhân đến từ phía Nhà nước. Không phải vô căn cứ khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ ra rằng: “việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ…. Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành "lợi ích nhóm", gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân…. chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến…”.
Là đại biểu Quốc hội 2 khóa XII, XIII, tôi đã trực tiếp nhận được nhiều đơn thư của doanh nghiệp tư nhân phản ánh tình trạng bất công, bất hợp lý, vi phạm pháp luật trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các DNTN của các cơ quan Nhà nước. Đành rằng cũng có không ít DNTN làm ăn chụp giật, ngắn hạn, lừa đảo, gian lận, trốn thuế,… Tuy nhiên, việc đánh đồng và đôi khi là định kiến về DNTN do nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức chưa thay đổi, vẫn nặng về “con buôn, gian thương”, mà chưa thấy được “kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” như Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ. Một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền nhìn doanh nghiệp như “nguồn thu” của mình chứ không coi đó là nơi làm ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm, ổn định dân cư, phát triển đất nước, đóng thuế nuôi bộ máy công quyền, trong đó có cá nhân mình và bảo vệ Tổ quốc.
Thống kê cho thấy người Việt đã bỏ ra 3 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ. Việt Nam đã đứng trong danh sách TOP 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay. Câu chuyện vì sao doanh nhân ra đi đã được đề cập trên nhiều diễn đàn. Hay câu chuyện huy động 500 tấn vàng (hay 13,3 triệu lượng vàng) trong dân, có giá trị tương đương 20 tỷ USD, con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng Thế giới công bố, để phát triển kinh tế mới đây đã được Chính phủ quan tâm. Rồi con số ước tính của Bộ Y tế về việc người Việt Nam chúng ta chi khoảng 2 tỉ USD/năm chữa bệnh ở nước ngoài. Hay theo Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2015, Việt Nam hiện có hơn 110.000 học sinh du học với mức chi khoảng gần 3 tỷ USD để có được nền giáo dục quốc tế. Song, điều đáng nói là Việt Nam hoàn toàn có thể giữ được phần lớn số tiền này ở lại trong nước nếu biết thu hút doanh nghiệp trong và nước ngoài đầu tư vào y tế, giáo dục.
Tôi nghĩ rằng chúng ta mới chỉ cập nhật được mô hình kinh tế, chưa cập nhật được con người. Mà nhận thức luôn là vấn đề quan trọng nhất. Cũng đã có nhiều bộ, ngành công bố cắt giảm thủ tục hành chính. Nhưng cũng có người cho rằng thực chất mới chỉ là gom các thủ tục hành chính vào (về số lượng), chưa thực sự cắt giảm, vì lợi ích cục bộ của một bộ phận trong bộ máy công quyền.
Chuyển động tích cực
Đúng là mọi người đều sốt ruột và mong muốn hành động. Chính phủ đã có Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3 tháng 10 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước đó, Chính phủ cũng đã có các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mới đây là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin và sự an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng và nhất quán.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 năm 2017 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng chi phí là vấn đề sống còn của doanh nghiệp và nếu chúng ta cắt giảm được cả chi phí chính thức và không chính thức, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng lên nhiều. Vừa qua Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ được Bộ Công thương duy trì trong suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Nhiều bộ, ngành khác cũng có những cải cách thủ tục hành chính trong sản xuất, kinh doanh tích cực tương tự.
Tại thời điểm 31/12/2015 cả nước có 442.485 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 11,3 lần cũng thời điểm năm 2000 (năm đầu tiên Luật Doanh nghiệp có hiệu lực). Bình quân giai đoạn 2000-2015, mỗi năm số lượng DN tăng 17,6%. Trong đó, tốc độ tăng bình quân của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với 18,9%/năm, doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa giảm 4,4%/năm. Tuy nhiên số liệu cho thấy tốc độ tăng giảm dần: giai đoạn 2000-2005: 22,2%/năm; 2005-2010: 21,2%/năm và 2011-2015 có dấu hiệu chững lại: 9,6%. Tốc độ tăng vốn bình quân giai đoạn 2000-2015 là 22,7% , thấp nhất là giai đoạn 2011-2015 là 14,3%. Trong khi đó, Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết, ước cả năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 125 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,5% so với năm 2016 với tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp dân doanh thành lập mới ước đạt 1,214 triệu tỷ đồng, tăng 36,3%.
Như vậy, có vẻ như những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta đã có những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, so với mục tiêu nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 thì vẫn phải tiếp tục những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, mà Khảo sát môi trường kinh doanh năm 2017 xếp Việt Nam đứng thứ 82/190 nền kinh tế trên thế giới, trên mọi mặt (khởi nghiệp kinh doanh, cấp phép xây dựng, kết nối điện, đăng ký tài sản, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, nộp thuế, thương mại xuyên biên giới, thực hiện hợp đồng, thủ tục phá sản).
Tôi cho rằng, trong mối quan hệ doanh nghiệp - nhà nước, tuy có sự phân công lao động khác nhau trong một nền kinh tế, nhưng thực ra là tất cả đều lệ thuộc vào nhau, có tác động và ảnh hưởng qua lại, thành công của đối tác là thành công của chính mình, nhất là trong một thế giới phẳng.
Tôi xin trích dẫn tuyên bố của Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) 2016 để kết thúc bài viết rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, đồng thời đòi hỏi các giai tầng ưu tú như lãnh đạo chính trị, cùng công chức lãnh đạo, doanh nhân, trí thức, người lao động có tâm và tầm lãnh đạo phải gắn kết tạo nên khối lãnh đạo thống nhất, dẫn dắt trên suốt chặng đường phát triển, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực tột bậc, đặt quyền lợi dân tộc và hạnh phúc của nhân dân trên hết mà hết mình phụng sự”./.
TS. Trần Văn, ĐBQH khóa XII, XIII Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội