Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nhấn mạnh, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn - Ảnh: VGP/Hải Liên
Họp phiên toàn thể tại hội trường vào sáng 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật HTX (sửa đổi).
Dự luật này đã được các đại biểu thảo luận tại tổ, có 124 ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật HTX để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thảo luận tại hội trường sáng nay, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, như tên gọi của dự án luật, thành lập Liên đoàn HTX, vị trí, vai trò của Liên minh HTX, các hình thức tổ chức HTX, kế toán, kiểm toán HTX…
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, để dự án Luật tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo các nội dung theo định hướng của Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cần quy định về quyền "Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của HTX" tại điểm h khoản 1 Điều 75 của dự thảo Luật.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua đã xảy ra không ít vi phạm quyền của các thành viên được tiếp cận thông tin, như: HTX gây khó khăn trong việc thành viên thực hiện quyền của mình, hoặc các HTX công bố thông tin không chính xác, hay không hết nội dung, có những nội dung mập mờ khiến thành viên đánh giá không đúng về HTX…
Đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, trong dự thảo Luật nội dung điểm này chưa làm rõ được thế nào là "thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của HTX" và cũng chưa có chế tài xử lý trong trường hợp người quản lý HTX không cung cấp, hoặc cung cấp không kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của HTX.
Vì vậy, bà Tạ Thị Yên đề nghị, để quyền làm chủ tập thể của thành viên HTX được thực hiện đầy đủ và bảo đảm dân chủ, bình đẳng trong tổ chức và hoạt động, cần bổ sung quy định các thành viên phải được cung cấp đầy đủ, trung thực, khách quan thông tin về mọi hoạt động và tình hình tổ chức quản lý của HTX.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật HTX hiện nay chưa có quy định nào về nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng, trung thành của người quản lý và cơ chế pháp lý buộc những người quản lý phải tuân thủ những nghĩa vụ này.
Thực tiễn hoạt động của HTX trong thời gian qua cho thấy, các giao dịch tư lợi xảy ra khá phổ biến. Do vậy, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định trách nhiệm của thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác, có trách nhiệm trong HTX theo hướng đưa ra điều gì, hay việc gì… mà các đối tượng này không được làm và trách nhiệm khi không tuân thủ theo các quy định.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 20 Trung ương 5, dự án Luật đã thiết kế khá đầy đủ 8 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy, tổ chức thực hiện được không phải là dễ, vì sẽ có những xung đột pháp luật nhất định liên quan đến ngân sách, tín dụng, thuế, phí và lệ phí, quản lý tài sản Nhà nước, khoa học công nghệ, đất đai, tài nguyên, quản lý nước, môi trường…
Vậy làm sao để có thể thiết kế hay sử dụng kỹ thuật lập pháp như thể nào để đưa ra các quy định pháp luật mới có tính thực thi cao mà không phải dùng "một luật sửa nhiều luật" hay chờ đợi rất lâu các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành quy định chi tiết việc thi hành luật?
Theo bà Tạ Thị Yên, nên thiết kế một chương trình cho kinh tế tập thể để cụ thể hóa các chính sách bằng những nguồn lực vật chất cụ thể, nhất là khi dự án Luật đã bổ sung quy định về phương thức hỗ trợ của Nhà nước, thông qua hình thức dự án đầu tư hoặc phi dự án và dự kiến một chương trình tổng thể về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ được Nhà nước thông qua để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước cho kinh tế tập thể.
"Nếu xây dựng được một chương trình như vậy sẽ như một chương trình mục tiêu quốc gia, hay chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho một giai đoạn nhất định, là rất quan trọng với những cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, vượt qua những rào cản, như thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu khoa học công nghệ, thiếu kỹ năng… của kinh tế tập thể hiện nay. Quy mô của chương trình chắc chắn sẽ thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội".
Về quỹ hỗ trợ phát triển HTX, theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, cần tiếp tục duy trì và đổi mới Quỹ hỗ trợ phát triển HTX khi dự thảo Luật đã quy định về chính sách ưu đãi tín dụng đối với các tổ chức kinh tế hợp tác.
Đại biểu nhấn mạnh thêm, dự án Luật cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn (khoảng 10-15 năm) khi dân số nước ta có khoảng 110-115 triệu dân và GDP bình quân đầu người vào khoảng 10.000-15.000 USD (thu nhập trung bình cao) và mục tiêu mà Đảng đã đặt ra là tới năm 2030 có 10% dân số tham gia HTX và tới năm 2045 có 20% dân số tham gia HTX. Có như vậy kinh tế tập thể mới có thể làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình.
Hải Liên