Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng các FTA thuận lợi hơn. Ảnh: VGP/DA
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết FTA và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA.
Qua thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang các thị trường FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước trong 3 FTA này bao gồm các mặt hàng như: cơ kim khí, dệt may, da giày... Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ các nước trong 3 hiệp định này năm 2022 ước đạt 13,03 tỷ USD.
Bà Nguyễn Kiều Oanh cho hay, nhằm chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu, triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Trong đó, Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của Thành phố với các đối tác trong, ngoài nước; tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và tìm kiếm đối tác.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA và các thị trường trong các FTA, tổ chức các hội nghị tập huấn liên quan đến nội dung các hiệp định và thông tin thị trường, về các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, số lượng doanh nghiệp Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường FTA, nhất là những thành viên mới của các hiệp định như Canada, Mexico, Peru.
"Riêng đối với hàng may mặc là một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước, do các doanh nghiệp chưa chủ động được các nguồn nguyên liệu, nên có những thời điểm bị đứt gãy đơn hàng, chuỗi cung ứng", bà Nguyễn Kiều Oanh cho hay.
Cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh, để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, HPA thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, trang bị kỹ năng ký kết hợp đồng; nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp và hiệp hội về các biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu được quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; rút ra được các bài học kinh nghiệm và từ đó nắm được phương hướng, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả.
Chia sẻ tại Tọa đàm nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện vẫn còn sự cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp đối với khả năng đáp ứng từ phía các cơ quan nhà nước, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đang rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai các công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Thạch nhận định, vai trò của chính quyền các địa phương hết sức quan trọng, do họ trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, trực tiếp xử lý các thủ tục với doanh nghiệp nên sẽ là nơi nắm bắt những vấn đề, những vướng mắc của doanh nghiệp nhiều nhất. Đồng thời, cần đổi mới phương thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Phải tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Cần huy động được các lực lượng chuyên gia, các tổ chức có liên quan ở trong tiến trình này để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp một cách tốt hơn.
Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, tới đây Bộ Công thương sẽ phối hợp triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành lập một tổ công tác liên ngành và phối hợp với các tỉnh, thành trong việc nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do FTA.
Diệu Anh