2-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định: "DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội". DNNN hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.
Các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác, tỉ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản cao nhất so với các khu vực khác. Tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 13%; tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 5%.
Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Theo Sách trắng Doanh nghiệp năm 2021, khu vực DNNN có hiệu suất sử dụng lao động cao hơn khu vực doanh nghiệp FDI, trong đó hiệu suất sử dụng lao động của DNNN đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 17,0 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13,0 lần. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.
Doanh nghiệp nhà nước cần khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN ngày 24/3, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) bày tỏ quan điểm, để phát triển xứng tầm, DNNN phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng, tiên phong, dẫn dắt, mở đường.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
"DNNN chỉ có thể phát triển và thể hiện được vai trò, vị trí của mình khi được giao những nhiệm vụ lớn, quan trọng, tiên phong mở đường. Ví dụ như Tập đoàn Dầu khí tiên phong xây dựng các công trình dầu khí ở ngoài khơi; Tập đoàn Điện lực đi đầu xây dựng các công trình thủy điện lớn, Viettel "mở đường" trong lĩnh vực sản xuất, áp dụng công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng… DNNN đã thực sự trở thành lực lượng thực thi chiến lược quốc gia, là cơ sở vật chất, cơ sở chính trị, là chỗ dựa và là lực lượng trụ cột để Đảng lãnh đạo chấn hưng đất nước", ông Thắng nhận định.
Cùng với đó, Chủ tịch Viettel cũng cho rằng DNNN phải chấp nhận cạnh tranh, lấy cạnh tranh làm động lực phát triển và phải đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững cũng như rèn luyện "đề kháng" trước những khó khăn.
Đồng quan điểm trên, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, DNNN đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đơn cử như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
"Cần đa dạng hoá hình thức đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện phù hợp định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục xác định vai trò nòng cốt, dẫn dắt của DNNN trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện, đầu tư các dự án lớn, quan trọng và nên có cơ chế giao các DNNN làm chủ đầu tư các dự án", ông Thành đề xuất.
Tháo gỡ "nút thắt" về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhà nước
Cũng tại Hội nghị, DNNN cho rằng xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích và công cụ quản lý riêng đối với DNNN quy mô lớn có vai trò quan trọng trong các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế. Đối với khối DN này, cần xây dựng và xác định rõ định hướng, giao cho họ các sứ mệnh, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tương xứng với nguồn lực, vị trí và vai trò trong phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan của nền kinh tế. Các lãnh đạo DNNN đã đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Đào Nam Hải - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Đào Nam Hải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương bổ sung điều kiện kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng đồng bộ hoá đơn điện tử có kết nối trực tuyến với cột bơm xăng dầu tới trung tâm dữ liệu quốc gia của cơ quan thuế để đảm bảo nguyên tắc công bằng trong kinh doanh.
"Petrolimex đã tiên phong, nghiêm túc áp dụng hoá đơn điện tử trên toàn hệ thống từ 2018 tới nay, trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa triển khai áp dụng. Giải pháp này cũng góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong thị trường xăng dầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật", ông Nam cho biết.
Liên quan đến hoàn thiện cơ chế, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị các bộ, ngành xem xét, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DN, gắn với tiếp tục đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu tại DNNN.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Theo ông Chuẩn, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thoái vốn, cổ phần hoá, nhất là khâu định giá, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hợp nhất, sáp nhập, giải thể DN để tạo sự đồng bộ của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
"Đặc biệt, cần có cơ chế để tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các đề xuất của DNNN trong quá trình tái cơ cấu DNNN", lãnh đạo TKV nhấn mạnh.
Hiện nay, nếu không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, 94 DNNN quy mô lớn tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
Có thể thấy, việc giải quyết những "nút thắt" về thể chế, khơi thông nguồn lực sẵn có và khẳng định vai trò dẫn dắt nền kinh tế sẽ thúc đẩy hoạt động của các DNNN xứng tầm là những "quả đấm thép" của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt cũng giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Minh Ngọc