Để đảo chiều dòng tiền 3 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) – Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tư nhân, song các doanh nghiệp này cũng nêu ra hàng loạt vấn đề, như vì sao hơn 3 tỷ USD được chuyển qua Mỹ để mua nhà đất.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam ngày 31/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe các ý kiến cũng như trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm trong ba lĩnh vực về kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.

Gần 1.000 đại biểu dự Diễn đàn. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

3 tỷ USD ra nước ngoài là “rất cần suy nghĩ”

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, lần đầu tiên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai và công bố Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Báo cáo cho thấy, 44% số doanh nhân tham gia khảo sát cho biết bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Những rào cản lớn nhất là giấy phép con quá nhiều, thủ tục hành chính, chính sách thuế, bảo hiểm và tiếp cận đất đai. 

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Công ty Geleximco nhấn mạnh: “Chi phí hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với nhiều nước, doanh nghiệp làm thế nào có thể cạnh tranh được”.

Cũng tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề về nguồn ngoại tệ của Việt Nam bị chảy ra nước ngoài khi đề cập đến con số hơn 3 tỷ USD được chuyển qua Mỹ để mua nhà đất. “Chính phủ có cách gì để doanh nghiệp trong nước yên tâm rót tiền vào đầu tư?”, ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận con số 3 tỷ USD một phần cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam là tự do, nhưng ở khía cạnh khác rất cần suy nghĩ và cần xác định rõ nguyên nhân là gì.

"Chúng ta cần có chính sách đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút đầu tư. Bởi vì đã có những ví dụ rất thành công như một số quỹ đầu tư nước ngoài, từ chỗ chỉ với 10 triệu USD thì nay đã lên đến 3 tỷ USD. Do đó, phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư", Thủ tướng nói.

Nhìn rộng hơn, Thủ tướng khẳng định thông điệp “hãy xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng”.

Kỳ vọng Chính phủ hành động

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT nhận định các doanh nghiệp tư nhân đều rất phấn khởi vì thấy Đảng “đã có một nghị quyết dành riêng tập trung chính về phía họ”.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho rằng, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển đất nước là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, Diễn đàn năm nay tập trung bàn thảo về 3 ngành nông nghiệp, du lịch và kinh tế số - được Chính phủ xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030. Đây cũng là các ngành, lĩnh vực mà tư nhân đặc biệt quan tâm, nhận thức được các cơ hội của thị trường, tiềm năng của Việt Nam và có mong muốn tham gia đầu tư, phát triển.

“Chúng tôi cũng rất vui mừng vì Chính phủ xác định đây là 3 ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Điều đó có ý nghĩa to lớn vì Chính phủ và doanh nghiệp đã có cùng hướng nhìn, cùng mục tiêu tiến tới và hiện có thêm Chương trình hành động chất lượng nữa, kinh tế đất nước sẽ có nhiều thay đổi tích cực”, ông Sơn bày tỏ sự tin tưởng.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick nhìn nhận, sự hiện diện của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn năm nay thể hiện sự coi trọng khu vực tư nhân cũng như cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển của khu vực này; thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tư nhân.

Đáng chú ý, tại Diễn đàn, Ban Tổ chức đã thực hiện ngay cuộc thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân có mặt tại hội trường với câu hỏi là trong các thông điệp của Chính phủ thì doanh nghiệp mong muốn tiêu chí nào nhất (liêm chính, kiến tạo và hành động). Kết quả cho thấy 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo.

Về kết quả này, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam không thiếu chính sách và các quy định, nhưng việc thực thi hiệu quả và sự nhất quán vẫn chưa đạt yêu cầu.

Trong một thăm dò cuối Diễn đàn, phần lớn các ý kiến đại biểu là các doanh nghiệp có mặt cho rằng, có trên 50% các kiến nghị tại Điễn đàn được giải quyết.
 

Thu Hương
434 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 431
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 431
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88671031