ĐỂ CÓ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THAM MƯU NGANG TẦM NHIỆM VỤ 

Theo từ điển Tiếng Việt, tham mưu là “hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hàng năm của cơ quan, đơn vị nhằm đạt kết quả cao nhất”. Như vậy, ở những mức độ, quy mô khác nhau đều không thể thiếu tổ chức công tác tham mưu để đảm bảo hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, hay nói cách khác, công tác tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của tất cả các tổ chức. Đối với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền, công tác tham mưu của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt.

Có thể khẳng định rằng, trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề lớn quan trọng của đất nước hay của địa phương đều cần có sự tham mưu hiến kế của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, ý kiến tham mưu, đề xuất của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng sự tham mưu, hiến kế của Nhân dân, tuy nhiên, vai trò tham mưu đề xuất của các cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách của Đảng có ý nghĩa khởi đầu xuất phát, là căn cứ quan trọng để cấp ủy Đảng thể hiện quan điểm, chủ trương lãnh đạo toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, khác với cán bộ tham mưu ở các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ tham mưu của các cơ quan Đảng có vị trí, vai trò, địa vị pháp lý riêng; họ là cán bộ tham mưu cho cấp ủy đảng- chủ thể lãnh đạo nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, do đó chức năng, nhiệm vụ, tính chất tham mưu là tham mưu lãnh đạo; đối tượng tham mưu là những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sản phẩm tham mưu là những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa dưới dạng các văn bản chỉ đạo của cấp ủy như nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định... Thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu gắn liền với chất lượng “sản phẩm” tham mưu tương ứng của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy, có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đề ra và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp ủy trong thực tiễn. Trong điều kiện Đảng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao tầm trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Theo Quy định 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư thì các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Mặc dù mỗi cơ quan tham mưu có chức năng, nhiệm vụ riêng theo từng lĩnh vực công tác nhưng trải qua quá trình hoạt động, ghi dấu bằng bề dày truyền thống 89 năm qua, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy đã có nhiều nỗ lực làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, mà trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Được sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ tham mưu trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh, huyện ngày càng được đảm bảo về số lượng và nâng cao về chất lượng. Được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn là những cán bộ đã kinh qua công tác thực tế ở địa phương, sở, ban, ngành, cơ sở, trong đó có số lượng đáng kể trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác xây dựng Đảng, những năm gần đây, đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy đã được bổ sung thêm lực lượng trẻ, nữ nên có nhiều thuận lợi hơn trong đào tạo, bồi dưỡng, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng vận dụng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để tham mưu cho cấp ủy đề ra chủ trương, nghị quyết; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; trực tiếp tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của các cấp ủy đảng để kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho các kiến nghị, đề xuất hợp lý tiếp theo; nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình, góp phần làm chuyển biến công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp.

Mặc dù có nhiều ưu điểm như đã đánh giá ở trên nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu của cơ quan Đảng vẫn chưa được như mong muốn; công tác tham mưu còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Còn thiếu sự chủ động, tích cực trong đề xuất, dự báo và chuẩn bị những nội dung, nhiệm vụ có tính chiến lược để tham mưu, phục vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay cả những vấn đề đã nhận biết được từ thực tiễn nhưng việc tham mưu vẫn chưa thực sự ngang tầm, chưa cải thiện được đáng kể, giúp tạo ra đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với chính quyền các cấp về quản lý và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Một số cán bộ tham mưu còn thuần túy làm công tác chuyên môn, giải quyết công việc sự vụ, chưa có cái nhìn công việc của mình bằng “lăng kính” lãnh đạo chính trị. Sự thiếu vắng những cán bộ tham mưu tầm cỡ “chuyên gia” là một thực tế, đã hạn chế rất lớn đến yêu cầu “ngang tầm” của công tác tham mưu, phần nào ảnh hưởng đến giá trị chung của đội ngũ cán bộ tham mưu của mỗi cơ quan và trong  hệ thống các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh, huyện. Những hạn chê nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng, nhiều cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, tính cấp thiết, tính chất, mục tiêu của công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu; chậm cụ thể hóa tiêu chuẩn, thiếu quyết liệt trong thực hiện các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, các lĩnh vực; việc bố trí cán bộ tham mưu chưa có quan điểm nhất quán, lúc nhấn mạnh thành phần xuất thân, kinh nghiệm và quá trình công tác, lúc lại nhấn mạnh yếu tố tuổi trẻ, bằng cấp; còn một bộ phận cán bộ tham mưu chưa được đào tạo cơ bản nhưng chưa được đào tạo lại; một số có biểu hiện ngại học, làm việc theo kinh nghiệm, chưa xây dựng được ý thức tự học, vươn lên để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoặc chỉ “quan tâm” học để đủ tiêu chuẩn nâng ngạch, bổ nhiệm. Tình trạng “thừa” mà vẫn “thiếu” cán bộ tham mưu còn xảy ra ở từng mảng, từng bộ phận công tác của mỗi cơ quan, đơn vị. Công tác tuyển chọn cán bộ cũng có nhiều khó khăn; có những thời điểm xu hướng muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước hơn làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội xuất hiện ở không ít cán bộ, nhất là những cán bộ có trình độ, năng lực, được đào tạo bài bản. Và ngược lại, khi nền kinh tế gặp khó khăn, lao động dư thừa, thiếu việc làm, nhiều sinh viên mới ra trường ở các ngành nghề lĩnh vực khác nhau, chưa có kinh nghiệm về công tác  xây dựng Đảng lại có nhu cầu được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan Đảng, đã tạo sức ép, trở ngại đáng kể cho công tác tuyển dụng cán bộ vào cơ quan Đảng nói riêng và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy nói chung.

Tham mưu là một hoạt động đòi hỏi năng lực, trí tuệ cao, nhất là tham mưu về chính trị, về lãnh đạo quản lý. Cán bộ tham mưu là những người thường xuyên có trách nhiệm đóng góp ý kiến với cấp uỷ để giúp cấp uỷ ra được quyết định đúng. Nhiệm vụ này đòi hỏi họ phải hiểu sâu, biết rộng, nắm vững lý luận và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn các vấn đề thuộc lĩnh vực được giao để có những ý kiến tham mưu thiết thực với cấp uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp uỷ cấp mình. Ngoài tiêu chuẩn chung như đối với đội ngũ cán bộ nói chung, với người cán bộ tham mưu của Đảng cần có thêm những tiêu chuẩn đặc thù do chức  năng, nhiệm vụ, công việc, sản phẩm tham mưu quy định. Thực tiễn cho thấy, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu, người cán bộ phải được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn công tác tại các cơ quan tham mưu trong hệ thống chính trị, phải có quá trình thực hiện đúng nhiệm vụ chuyên môn tham mưu được giao một cách lâu dài, liên tục. Ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn như phải có tư duy độc lập, phân tích và tổng hợp tốt, có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu; trung thực, thẳng thắn, biết lắng nghe các ý kiến trái chiều và biết tuân theo, bảo lưu ý kiến đúng, tìm biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn thì người cán bộ tham mưu phải có tinh thần dũng cảm trong tham mưu. Tinh thần dũng cảm thể hiện ở việc đề xuất những ý kiến tham mưu có tính đổi mới cụ thể, nhạy cảm, động chạm đến việc thay đổi những quy định hiện hành, động chạm đến “lợi ích nhóm” nhưng không vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; kiên quyết bảo vệ những ý kiến tham mưu được cho là đúng đắn của mình trước tập thể hoặc cá nhân có thẩm quyền; vui vẻ chấp nhận việc thay đổi, sửa chữa hoặc từ bỏ ý kiến tham mưu của mình khi nhận thấy những ý kiến đó chưa hoặc không phù hợp với thực tiễn, chưa có cơ sở lý luận. Là người tổng hợp, xử lý các thông tin và báo cáo với cấp trên, người cán bộ tham mưu cần dũng cảm khi phản ánh sự thật hoặc những “phát hiện” mới với cấp lãnh đạo, đó chính là những điều nghe không vui hoặc chưa được số đông nhận ra. Do đó, năng lực tư duy, phân tích khoa học, dự báo các sự kiện, hiện tượng, các vấn đề là yêu cầu rất cần thiết của người cán bộ tham mưu, yêu cầu họ phải nhạy cảm với cái mới, biết đứng trên quan điểm tiến bộ để xem xét các vấn đề, sớm phát hiện những cái lỗi thời trong các chủ trương, chính sách, hình thức tổ chức và quản lý cũ; đồng thời biết vun trồng những mầm non mới nảy sinh trong cuộc sống. Trên cơ sở điều tra, nghiên cứu, phân tích sự vận động của vấn đề trong phạm vi, lĩnh vực được giao tham mưu, cần phải nhận định được những xu hướng phát triển, bản chất của vấn đề trong tương lai, làm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các ý kiến tham mưu dự báo mang tính khoa học, khách quan và hợp lý, đề nghị cấp uỷ ra các quyết định chính xác, kịp thời. Để có các tố chất đó, người cán bộ tham mưu cần không ngừng học tập và hăng say hoạt động thực tiễn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trí tuệ và năng lực công tác để rèn dũa khả năng độc lập suy nghĩ, độc lập tham mưu, độc lập chịu trách nhiệm về ý kiến tham mưu của mình, để thực sự làm chủ công việc tham mưu được giao. Phấn đấu mỗi cán bộ tham mưu là một chuyên gia tham mưu giỏi về lĩnh vực, công việc chính mà mình phụ trách, đồng thời cũng am hiểu rộng để tham mưu nhiều lĩnh vực khác liên quan.

Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy các cấp đủ về số lượng, tốt về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, có khả năng thích ứng cao với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ của Đảng. Ngoài những giải pháp cần thiết có tính chất chung nhất cho mọi nội dung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, cần có những giải pháp đổi mới cụ thể đối với từng khâu trong công tác cán bộ. Trong đó, cấp có thẩm quyền cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy để từ đó có sự quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết nhằm xây dựng, chăm lo, củng cố đội ngũ này xứng đáng với vị thế đã có. Xây dựng và thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu cụ thể đối với từng chức danh theo vị trí việc làm để bố trí đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng..., góp phần đáp ứng đòi hỏi về chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu tại mỗi cơ quan, đơn vị, đồng thời, làm căn cứ để thực hiện tinh giản biên chế, đào thải những cán bộ tham mưu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặc khác, cần tiếp tục đặt ra yêu cầu về xây dựng và duy trì môi trường hoạt động tham mưu dân chủ, công khai, minh bạch, được tôn trọng, có đủ điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo động lực phấn đấu, cống hiến cho đội ngũ cán bộ. Cùng với đó, chính mỗi cán bộ của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy phải ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình để làm việc, cống hiến; phải thực sự là cán bộ đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, trong sáng, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành, cầu thị, làm việc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất, góp phần tham mưu, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy các cấp. Hải Yến

11807 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1191
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1191
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165785