|
Ảnh VGP/Thành Chung |
“Hội thảo khoa học củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam” vừa diễn ra sáng 10/6 tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam được đánh giá có quy mô “nhỏ” nhưng lại hội tụ hàng chục chuyên gia, nhà khoa học kinh tế hàng đầu Việt Nam. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện Chính phủ là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và một số lãnh đạo bộ, ngành.
Cơ quan tổ chức và các đại biểu tham dự đều cho rằng, nhiều Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, nhiều hội thảo hội thảo trước đây đã bàn, xác định nhiều nội dung liên quan tới nền tảng, động lực, các “đột phá” cho tăng trưởng tuy nhiên năng lực thực thi, triển khai của Việt Nam chưa mang lại những kết quả như mong đợi tới thời điểm này.
Các nhà khoa học, các nhà kinh tế đã tập trung nêu bật các nền tảng cho kinh tế và xác định các giải pháp chính là đề phát huy nguồn lực con người, đề cao nhận thức rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần chính sách hiệu quả kết nối DN trong nước với khối FDI
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn thấy “dấu hiệu mới” của năm 2017 là “vốn tư nhân có thể thay thế được vốn đầu tư của nhà nước khi mà giải ngân vốn đầu tư công yếu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao”. Theo số liệu của Tiến sĩ Thiên, 3 năm qua vốn đầu tư của tư nhân đều tăng trưởng mạnh khoảng 50%, cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp khác.
Do vậy, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định: “Khi tư nhân có ý thức rõ ràng, được Chính phủ giao trọng trách, tin tưởng họ thì họ sẽ tốt lên. Tiếc là ta vẫn chưa làm được như vậy, làm cho trụ cột tăng trưởng chưa rõ ràng”.
Cùng trăn trở này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, vào năm 2000, số vốn doanh nghiệp tư nhân đăng ký bằng 14% số vốn của DNNN và bằng 40% số vốn của khối FDI, nhưng tới năm 2015 thì số vốn của doanh nghiệp tư nhân đã gấp đôi số vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI, nhưng đóng góp của khối này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cũng ở góc độ này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc doanh nghiệp viễn thông 100% vốn nhà nước Viettel nhận định: “Tốc độ tăng trưởng cao thì niềm tin cao, tăng trưởng thấp thì niềm tin thấp. Do vậy, khi tăng trưởng thấp thì phải xem lại niềm tin. Ở đây có niềm tin xã hội, niềm tin của người dân với Chính phủ, với doanh nghiệp và ngược lại. Chính phủ cần tin vào khối doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân để họ có động lực tạo ra hạ tầng, mang đến sự sáng tạo, sức sản xuất”.
Chia sẻ với các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hệ thống chính sách cần hướng tới kết nối hiệu quả hơn khối doanh nghiệp trong nước với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Tập đoàn Samsung đã có 200 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia cung cấp linh kiện phụ trợ với tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của Samsung tại Việt Nam là 57%. Tuy nhiên, “nhiều doanh nghiệp FDI than phiền Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp tư nhân đủ lớn để tham gia sản xuất cùng với họ".
“Bây giờ chúng ta nói cần có phải có doanh nghiệp tư nhân lớn nhưng có doanh nghiệp vừa khá lên thì đã bị dư luận đặt vấn đề về nguồn gốc tài sản. Chúng ta chống việc làm giàu sai trái, chỉ muốn giúp người sẽ chiến thắng chứ không giúp người chiến bại nên phải cổ vũ động viên họ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hệ thống chính sách cần hướng tới kết nối hiệu quả hơn khối doanh nghiệp trong nước với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Ảnh VGP/Thành Chung |
Giao chỉ tiêu cụ thể cho DNNN
Nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tư cách là nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai, đa số các ý kiến chuyên gia cho rằng vai trò của khối này là quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế.
Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cách ứng xử của Nhà nước với DNNN thời gian qua có điểm chưa phù hợp. “DNNN gặp khủng hoảng thì ta trói nó lại và kiểm soát nó. Nhẽ ra chỉ cần kiểm soát mục tiêu thì ta lại chọn kiểm soát cách làm, làm cho DNNN yếu đi khi mà vai trò thì quan trọng”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, lợi tức tài sản của DNNN mà tăng 7% thì nền kinh tế sẽ tăng được 2 điểm % GDP nên vai trò của DNNN là quan trọng. Ông Cung cho rằng “DNNN phải có kỷ luật chặt chẽ và Nhà nước phải giao cho nó chỉ tiêu cao và rất cụ thể để DNNN tìm mọi cách để đạt được mục tiêu, đó là DNNN phải ra thị trường, ra toàn cầu để nó tồn tại”.
Cũng về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì cho rằng cần phải xem lại vai trò của DNNN đối với nền kinh tế. Ông Tuyển cho rằng: “Trước mỗi đề bài kinh tế, Nhà nước nên đặt ra xem có lực lượng nào làm được không? Nếu không có ai làm thì mới dùng đến DNNN”.
Để thị trường vận hành đúng bản chất
Về điều tiết vĩ mô nói chung cho tăng trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế vẫn còn dư địa sử dụng nhưng việc cần thiết phải là cơ cấu lại chất lượng sử dụng các yếu tố nguồn lực. Hiện nay, Việt Nam chưa hình thành được đầy đủ các thị trường để phân phối các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai - bất động sản, lao động, khoa học kỹ thuật, hàng hoá - dịch vụ). Sâu xa hơn là thể chế vận hành của các thị trường này chưa có, cần phải được tập trung xây dựng.
Để thực hiện nền kinh tế thị trường với đầy đủ các yếu tố, ông Trương Đình Tuyển đề nghị Việt Nam phải đối chiếu, so sánh với các tiêu chí về kinh tế thị trường mà các nền kinh tế thị trường như Hoa Kỳ và EU đã đặt đặt ra để vận hành hiệu quả nhất theo định hướng của Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Trần Đình Thiên và Tiến sĩ Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng thị trường bất động sản không vận hành đúng bản chất khi Nhà nước, doanh nghiệp không thể tích tụ đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở bằng thu hồi, đền bù được mà phải theo cơ chế của thị trường. Do vậy, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng: “Khi thị trường không đủ mạnh, không phát triển được thì xu hướng đầu cơ sẽ mạnh hơn đầu tư”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng chỉ ra nhiều yếu tố khác của tăng trưởng và đề xuất tập trung giải pháp như: Xuất khẩu đang là động lực mạnh nhưng chưa thể là nền tảng của GDP vì giá trị gia tăng quá ít; FDI đang là một động lực mạnh nhưng đóng góp cho nền kinh tế không nhiều vì trong khối này có những doanh nghiệp lỗ kéo dài mà vẫn được mở rộng sản xuất; “đầu tầu kinh tế” TPHCM vẫn ì ạch vì tư duy quản lý chia đều, không tập trung bứt phá.
Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng dưới góc nhìn của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đề nghị: “Chính phủ phải mở ra không gian sáng tạo cho mọi người. Chính phủ phải chấp nhận những yếu tố ảo trong đời thực, cho nó đất sống thì nó sẽ phát triển và phục vụ lại thế giới thực”.
Và một điều nữa, khi tất cả các đại biểu đều cho rằng Nhà nước phải đề cao vai trò cá nhân và trách nhiệm giải trình của khối công vụ, coi đây là nội dung quan trọng trong cải cách hệ thống quản trị quốc gia./.
Thành Chung