Để cạnh tranh thực sự trở thành ‘linh hồn’ của nền kinh tế 

(Chinhphu.vn) – Các chuyên gia cho rằng, để một nền kinh tế mang tính cạnh tranh, trước tiên phải có một khuôn khổ pháp luật cạnh tranh phù hợp. Trong đó, Luật Cạnh tranh chất lượng tốt, cơ quan cạnh tranh độc lập hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

 

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thu Hương


Ngày 3/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp thảo luận, phân tích thực trạng cạnh tranh, chính sách cạnh tranh hiện nay và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao mức độ phát triển thị trường, mức độ cạnh tranh, góp phần nâng cao năng suất và vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Chúng ta phải có cái nhìn cởi mở về cạnh tranh. Cạnh tranh chính là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. Theo tâm lý chung, ai cũng muốn ngành nghề kinh doanh hay lĩnh vực hoạt động của mình độc quyền nhưng chính với lối suy nghĩ như vậy đã kìm hãm một sự phát triển chung”.

Cần có cơ quan cạnh tranh độc lập

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Luật Cạnh tranh hiện tại chưa phát huy tác dụng trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của các DN cũng như tạo nên một môi trường cạnh tranh, “sân chơi” lành mạnh cho các DN. Vì vậy, để sửa đổi Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đánh giá, phỏng vấn chuyên gia, tham vấn cộng đồng DN để có những ý kiến, đánh giá, kiến nghị nhiều chiều.

Cụ thể, một số điểm mới tiêu biểu được ông Trịnh Anh Tuấn nêu ra trước diễn đàn như: Mở rộng phạm vi sang điều chỉnh mọi hành vi (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế) xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam; mở rộng đối tượng áp dụng; bổ sung chương trình khoan hồng nhằm tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hóa…

Đặc biệt, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh việc cần thiết phải thành lập cơ quan cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu các cơ quan hiện tại gồm Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý Cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Về vấn đề này, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết: “Hiện tại không có một mô hình cơ quan cạnh tranh ‘lý tưởng’ và phù hợp duy nhất cho mọi quốc gia, với trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị và văn hóa khác nhau”. Tuy nhiên, bảo đảm được tính độc lập là yếu tố quan trọng nhất mà bất kỳ một cơ quan cạnh tranh nào cũng phải đáp ứng.

Chính vì vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng Cơ quan cạnh tranh Quốc gia phải là một cơ quan độc lập trong mọi trường hợp, kể cả khi ‘nằm’ ở Bộ Công Thương. Ông đề xuất bỏ nội dung tại điều 7, khoản 3, Dự thảo Luật Cạnh tranh quy định “Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh”.

Bên cạnh đó, ngoài các chức năng tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế… Ông Hiếu đề xuất bổ sung vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh để bảo đảm cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền kiểm soát các quy định cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó cạnh tranh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Một trong những điểm rất quan trọng nhằm tăng cường hệ thống pháp luật cạnh tranh là có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập, có đủ thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đây là yêu cầu rất cốt lõi”.

Ông Tuấn cho biết: “Kịch bản rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp mong chờ là có một cơ quan quản lý cạnh tranh hoàn toàn độc lập với các bộ. Bởi, thực tế cho thấy rất nhiều những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể xuất phát từ chính các tập đoàn lớn là ‘con đẻ’ của các bộ, ngành”.

Giải pháp thúc đẩy cạnh tranh

Về tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, theo công bố về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2017, Việt Nam đã được tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh và hiện nay đứng thứ 55 trong 137 nước trên thế giới. “Nhìn vào thứ hạng này có thể thấy chúng ta đang có năng lực cạnh tranh khá tốt, tuy nhiên, theo quan sát của tôi đó vẫn chưa phải là mức có thể thỏa mãn”.

Bà Phạm Chi Lan lý giải, thực tế kinh tế thế giới hiện nay nằm trong tay khoảng 30 nước có quy mô kinh tế lớn hoặc có năng lực cạnh tranh cao, cũng là những nhân tố chi phối cạnh tranh trên toàn cầu, cho nên những nước dưới mức 30 không nên vội mừng với thứ hạng của mình.

Theo bà Chi Lan, nhìn vào những tiêu chí thành phần đang là những nhân tố thúc đẩy cạnh tranh, cần được chú trọng như độ sẵn sàng cho công nghệ, độ tinh thông của DN thì xếp hạng của chúng ta còn kém. Ngoài ra, mặc dù chỉ tiêu về quy mô thị trường ở mức cao nhưng hiệu quả thị trường lại thấp cho thấy thị trường nội địa và kể cả hoạt động xuất nhập khẩu hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Đặc biệt, chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thể chế - một trong những yếu tố cơ bản, làm nền tảng cho cạnh tranh của mỗi quốc gia vẫn ở mức thấp. Trong khi hầu như tất cả các nước khác đều theo một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, buộc nhà nước phải hoạt động với hiệu quả cao nhất để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc gia, buộc DN tự sáng tạo, tự kinh doanh không phụ thuộc bao cấp, xin-cho, thể chế của Việt Nam vẫn là một thể chế lửng lơ, nửa Nhà nước, nửa thị trường, vẫn còn một khu vực DNNN quá lớn, lấy hỗ trợ của Nhà nước làm lợi thế cạnh tranh thì không thể có một môi trường cạnh tranh lành mạnh được.

Vì vậy, bà Chi Lan cho rằng, cải thiện năng lực thể chế và cải cách DNNN cũng như thay đổi cách tiếp cách đối với khu vực đầu tư nước ngoài là những mấu chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để một nền kinh tế mang tính cạnh tranh, theo ông Đậu Anh Tuấn, trước tiên phải có một khuôn khổ pháp luật cạnh tranh phù hợp. Trong đó, Luật Cạnh tranh chất lượng tốt, cơ quan cạnh tranh hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn được độc quyền. “Ngoài ra cũng cần rà soát những điều kiện kinh doanh, các quy định pháp luật bất hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy cạnh tranh chứ không hạn chế cạnh tranh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, “Cần phải xác định rõ cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường, không có cạnh tranh nền kinh tế sẽ thiếu đi tính năng động, thiếu động lực phát triển. Quản lý Nhà nước phải thay đổi, xóa bỏ những rào cản, hạn chế không cần thiết để tạo điều kiện cho các DN gia nhập thị trường, đặc biệt là phải xóa bỏ hàng nghìn ĐKKD để tăng quy mô về mức độ cạnh tranh của DN, đồng thời thực thi Luật Cạnh tranh tốt để bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng”.

 Thu Hương 

388 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1069
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1070
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226732