Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề trên.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
(Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết, sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay đang gặp phải những thách thức gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một trong những thách thức có thể thấy rõ là biến đổi khí hậu, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp tổng thể từ lựa chọn đối tượng cho đến quy trình sản xuất để làm sao thích ứng được với tình hình, biến bất lợi thành lợi thế.

Một thách thức nữa là hội nhập sâu rộng, điều này tạo ra tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Hiện nay, xuất phát điểm của chúng ta với GDP bình quân đầu người trên 2.500 USD, so với các nước có tiềm năng lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật và thị trường mở thì đây là một sự cạnh tranh khốc liệt.

Đặc biệt kể từ sau năm 2008, khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, hiện nay các nước có xu hướng chung tập trung chăm lo, ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, lấy đây không chỉ là khu vực để đảm bảo sự ổn định chung mà còn là hướng ưu tiên số 1 của hầu hết các quốc gia. Chính vì vậy mà khi Việt Nam tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu toàn cầu phải chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt trong thời kỳ đầu.

Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, “chế ngự” các tồn tại, nút thắt lớn để đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu tốt hơn, thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp chúng ta phát triển.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết thêm về những điểm yếu trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng vậy. Muốn xây dựng một thương hiệu sản phẩm đòi hỏi cần có một quá trình. Chúng ta từ một nước thiếu ăn trở thành một nước đủ ăn và mới chuyển sang sản xuất hàng hóa. Vì vậy, yêu cầu xây dựng thương hiệu, tổ chức hàng hóa là vấn đề mà hiện nay kể cả Chính phủ, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, người nông dân đang rất muốn quyết tâm thực hiện. Chúng ta đang tiến tới từng bước một sẽ có những nông sản mà thứ hạng đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây mà một quyết tâm đòi hỏi phải đồng bộ, nhất là khi một nền kinh tế dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ như hiện nay.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường trong nước đối với các mặt hàng nông sản?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết rằng mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là vì người dân. Hiện nay, dân số nước ta gần 100 triệu dân. Trước hết phải chăm lo chính đời sống người dân nước mình, xuất khẩu cũng là một giải pháp để lấy lợi nhuận phục vụ đời sống nhân dân. Vì thế, cần phục vụ chính cho thị trường này, lấy mục tiêu thị trường trong nước làm nền tảng để từ đó mở rộng ra những thị trường khác. Đây cũng là một động lực, một giải pháp để chúng ta xây dựng ngành nông nghiệp bền vững.

PV: Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản mở rộng ra hơn là vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đây không chỉ là câu chuyện riêng của Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương, xin Bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải là câu chuyện của riêng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương mà đây là đòi hỏi sự vào cuộc chung của cả 3 trục. Một là trục Chính phủ, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia quá trình sản xuất kinh doanh. Đây là trục thứ nhất về các nhóm giải pháp đi liền với hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Trục thứ hai là trục các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong hội nhập cũng như trong tổ chức sản xuất hàng hóa. Nếu không có doanh nghiệp chắc chắn không có sự thành công, mà doanh nghiệp sẽ là hạt nhân trong chuỗi liên kết.

Chúng ta hiện nay tự hào có 1 vạn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp, cùng với đó chúng ta có khoảng 49 nghìn doanh nghiệp chế biến tham gia ở các phân khúc khác nhau, tạo ra các sản phẩm phụ trợ cho khu vực nông nghiệp. Chúng ta phải xem đây là thành tố rất tốt để trên nền tảng đó phát triển nhiều Hợp tác xã theo hướng liên kết với các hộ nông dân.

Và một trong những thành tố liên quan là người dân, người dân chúng ta không thể đứng đơn lẻ, một mình không thể hội nhập, một mình không thể tự sản xuất hàng hóa mà cần bằng sự liên kết.

Như vậy 3 trục: trục Chính phủ, trục doanh nghiệp doanh nhân và trục người dân; trên cơ sở chúng ta tăng cường hợp tác quốc tế cùng với những nhóm giải pháp liên quan, tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong công cuộc hội nhập tới đây về nông sản.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

BT (ghi)