Đây là vấn đề đã được Chính phủ đặt ra những năm gần đây, vấn đề là triển khai ra sao?
Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood II cho biết, đã từ hơn 10 năm trước, ông kêu gọi “lúa thơm phải là hướng đi chính”, nhưng “Việt Nam cứ mải mê theo quán tính (tăng vụ và tăng sản lượng) và chậm điều chỉnh”.
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, tương đương 2,43 tỉ USD. Tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ 2018.
Con số này là minh chứng cho cảnh báo gạo Việt mất ổn định do chưa chú trọng vào chất lượng khi các thị trường Trung Quốc, Banglades cắt giảm sản lượng nhập khẩu. Đồng thời vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ…
Hậu quả có thể nhìn thấy rõ bắt đầu từ ông lớn Vinafood chịu cảnh kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 mới công bố, luỹ kế 9 tháng,Vinafood II lỗ hơn 73 tỷ đồng do lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo thời gian qua trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm, nhu cầu rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất.
Thái Lan từ lâu đã hướng đến gạo chức năng và sản xuất hữu cơ. Trong khi đó, mãi đến 2016, tại Việt Nam, bộ giống lúa thơm do các viện nghiên cứu đăng ký khảo nghiệm còn rất ít và chưa tích tụ đủ các yếu tố di truyền, để tạo nên phẩm chất cao và khả năng kháng bệnh tốt.
Giữa năm nay, Quảng Trị đã công bố loại gạo “đặc chủng” được trồng tại địa phương bằng công thức “bón phân và tưới nước”. Các nhà khoa học tại đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã chiết xuất hai hợp chất là Momilactone A và Momilactone B có trong gạo hữu cơ Quảng Trị, quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần! Mô hình chuỗi liên kết này đến nay đã thực hiện được khoảng 3 năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Mới đây, giống lúa ST25 của Sóc Trăng vừa đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” ở Manila (Phillipines). Đó là những bằng chứng cho thấy người Việt hoàn toàn có thể tạo ra những giống lúa vượt trội.
Nhưng để phát triển giống lúa này đại trà, tạo ra thương phẩm thì không còn là việc riêng của một vài doanh nghiệp. Bởi để có hạt gạo tuyệt hảo phải canh tác đúng quy trình, giữ diện tích và sản lượng vừa phải để điều tiết thị trường. Một khi sản xuất ồ ạt, mất kiểm soát thì không còn là “đặc phẩm”. Có đặc phẩm là một chuyện nhưng giữ được vị thế đặc phẩm còn khó hơn.
Trương Khắc Trà