Đề xuất sửa đổi một loạt quy định về thuế 

(Chinhphu.vn) – Luật Quản lý Thuế sửa đổi được dự đoán có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp (DN) trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.

 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Hương

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có Đề cương Dự thảo và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Để góp ý hoàn thiện Đề cương Dự thảo Luật này, ngày 5/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành đến nay đã 10 năm, dù được sửa đổi, bổ sung 3 lần nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Nhất là trong thực tiễn hiện nay, khi phương thức kê khai, nộp thuế điện tử phát triển rất nhanh chóng.

Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi luật xuất phát từ yêu cầu hoà nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, cơ quan thuế hiện đã ký hiệp định chống đánh thuế 2 lần với 76 nước và nhiều hiệp định mang tính toàn cầu khác, vì vậy, cần thiết phải bổ sung, sửa đổi các quy định trong Luật để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, ông Huy cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý Thuế đang được thực hiện gắn với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Đảng và Chính phủ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống nợ thuế, thất thu…

“Hiện tại, đề xuất xác định có 31 nhóm vấn đề, có nhóm sửa đổi đến 7-8 nội dung. Dự kiến sửa đổi 57/121 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ cấu lại 2 chương và bổ sung thêm 2 chương mới”, ông Huy cho biết.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổng Cục Thuế đã chỉ ra những nội dung sửa đổi chính trong dự thảo lần này.

Cụ thể, dự thảo có những thay đổi về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Do ngoài 9 sắc thuế hiện hành còn có nhiều khoản thu: Liên quan đến đất đai; cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, khoản thu về phát triển đất trồng lúa, biển; khoản thu về lợi nhuận sau thế của DN… do nhiều đơn vị thu như: Thuế, hải quan và một số đơn vị khác, nên cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho đầy đủ, rõ ràng, tránh gây hiểu nhầm và thuận lợi cho quá trình thực thi.

Theo đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động. “Trước yêu cầu cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thì cơ quan thuế tiến hành quản lý thu thuế và BHXH là phù hợp”, ông Huy cho biết.

Một điểm mới đáng lưu ý của dự thảo là đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Hiện tại, cơ quan thuế đang thực hiện kiểm tra và thanh tra nhưng vẫn chưa đủ mạnh bằng chức năng điều tra.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính lý giải, theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Khi có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Việc bổ sung chức năng điều tra sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Các quy định này sẽ mang tính răn đe, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một bộ phận tổ chức, cá nhân móc nối với nhau có tính tổ chức với thủ đoạn rất tinh vi.

Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với xu hướng thương mại điện tử; kê khai, nộp thuế điện tử; hóa đơn, chứng từ điện tử; quy định về báo cáo chi phí thuế; đưa các phương án để thảo luận về việc sử dụng tờ khai quyết toán thuế…

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI: “Luật Quản lý Thuế sửa đổi lần này dự đoán sẽ có nhiều tác động lớn đến DN. Bởi vì nội dung Luật có liên quan đến xu hướng cải cách thủ tục hành chính, tần suất kê khai, thủ tục kê khai thuế, giao dịch trên mạng, cách thức phối hợp với cơ quan liên quan cũng có nhiều thay đổi.” Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, các DN, hiệp hội cần phải quan tâm hơn đến dự thảo lần này để có những đóng góp thiết thực xây dựng Luật.

Góp ý về dự thảo Luật, ThS. Hà Thị Tường Vy, Trưởng ban Quản lý nghề kế toán, VAA cho biết, dự thảo đã có bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới, thể hiện tính tích cực và khoa học. Từng nội dung đều có sự so sánh thực tế Việt Nam với kinh nghiệm nước ngoài để đưa ra những bài học kinh nghiệm.

Đặc biệt, bà Vy đánh giá cao khi dự thảo đưa các nội dung lập báo cáo chi phí thuế, quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử và quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết, trước đây được quy định rất mờ nhạt vào đề xuất.

Tuy nhiên, bà không đồng ý về việc cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.

“BHXH là quỹ tài chính của người lao động, không thuộc về Ngân sách Nhà nước. Cơ quan thuế có thể thu được tiền BHXH nhưng liệu có đủ nghiệp vụ để thực hiện công tác chi trả thai sản, ốm đau… cho người lao động hay không?”

Bên cạnh đó, bà Vy cho rằng, việc theo dõi nợ thuế đối với DN của cơ quan thuế còn nhiều trường hợp chưa chính xác, nợ thuế còn rất lớn nếu nhập 2 việc này có bảo đảm về bộ máy, cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện không.

 Về đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, bà Phạm Thị Thu Trang, đại điện Công ty TNHH ERNST & YOUNG Việt Nam cho rằng, hiện tại, cơ quan thuế đang chịu trách nhiệm quản lý thu thuế, thanh tra thuế. Nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuế, thì cùng một cơ quan, một bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế.

“Việc này có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế”, bà Trang nhận định. Vì vậy, bà đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc lại nội dung này.

Còn theo bà Đặng Thị Bình An, Công ty THHH Tư vấn thuế C&A: “Dự thảo bổ sung, sửa đổi rất nhiều điều với mục đích nâng cao năng lực quản lý của cơ quan thuế nhưng dường như đang ‘xem nhẹ’ trách nhiệm của người quản lý và quyền lợi của người nộp thuế”. Như hiện nay, người nộp thuế có quyền được cơ quan thuế giải thích về việc ấn định thuế, nhưng nếu DN đi hỏi thì lại không được giải thích xác đáng, cũng không biết căn cứ vào đâu ra mức thuế như vậy.

Bà đề xuất, nên có sự tương tác, thảo luận với DN, tránh gây những bức xúc cho DN, làm sao để các quy định trong Luật bảo đảm quyền và lợi ích của người nộp thuế, đồng thời mang tính thực thi, thực tiễn.

Thu Hương

438 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 585
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 585
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214401