Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng: Chương trình mục tiêu về phòng chống ma túy đã thực hiện nhiều năm qua. Đây là chương trình mục tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện theo giai đoạn 5 năm, đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình làm rõ lý do nâng tầm từ chương trình mục tiêu về phòng chống ma túy của Chính phủ thành Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030.
Trong đó, cần đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu của Chính phủ có thực sự hiệu quả trong phòng chống ma túy, để thấy rõ sự cấp thiết về sự ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy đến năm 2030 trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu - Ảnh: NL
Góp ý một số nội dung của dự thảo nghị quyết như các giải pháp thực hiện chương trình, theo đại biểu nên xác định mục tiêu tổng quát, các nhóm chỉ tiêu cụ thể nên chuyển vào mục nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình; còn một số chỉ tiêu cơ bản như: giảm số người nghiện ma túy, giảm tỉ lệ tội phạm về ma túy, giảm các địa bàn có ma túy nên đưa vào mục tiêu của chương trình.
Về cơ chế quản lý, điều hành chương trình, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Quốc hội nên giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện là phù hợp với thẩm quyền; các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ không nên quy định cụ thể trong nghị quyết. Đối với kinh phí thực hiện chương trình, cần quy định rõ lấy từ nguồn nào, tránh bố trí kinh phí trùng lắp các chương trình mục tiêu đã được thực hiện.
Tham gia ý kiến về nội dung trên, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự đồng tình về việc Bộ Công an là cơ quan chủ trì quản lý chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo nghị quyết đưa một số bộ, ngành trong công tác phối hợp, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy chưa phù hợp; các đơn vị của lực lượng vũ trang như biên phòng, hải quan, cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống ma túy lại không được đưa vào.
Về thời gian thực hiện chương trình, đại biểu lo ngại việc thực hiện các nội dung về xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình...sẽ không kịp thực hiện trong năm 2025.
Theo đó, đại biểu đề nghị rà soát, tránh chồng chéo với các chương trình liên quan đang thực hiện về công tác phòng chống ma túy như: Quyết định số140/QĐ-TTg năm 2024, Quyết định số 100/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Về nhóm mục tiêu cần đạt đến năm 2030, đại biểu cho rằng cần cân nhắc các chỉ tiêu đến 100%, vì những chỉ tiêu đề ra mong muốn đạt được, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì những yếu tố khách quan, chủ quan.
Về truyền thông, giáo dục về phòng chống ma túy, theo đại biểu, đây là nội dung mà chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang vướng mắc sau 4 năm triển khai nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, đề nghị công tác tuyên truyền nên gắn với thời đại công nghệ số và khả năng tiếp cận thông tin của vùng đồng bào, vùng mà ma túy đang là vấn đề nhức nhối do dân trí thấp, đói nghèo vì tệ nạn ma túy... nên công tác tuyên truyền ở đây cần chú ý đến yếu tố đặc thù, phù hợp với từng vùng miền.
Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của các đại biểu của Tổ thảo luận số 15. Đồng thời yêu cầu tổ thư ký thực hiện việc ghi chép, tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của các đại biểu để báo cáo Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu.
Nguyễn Lý - Thanh Tuân