|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sau khi các đại biểu cho ý kiến tại kỳ họp trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến cho rằng tiền thuế nộp chậm trong vòng 90 ngày có lãi suất 0,03%/ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5%/ngày nhằm tránh trường hợp chính sách nộp thuế chậm bị lợi dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Góp ý nội dung này, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phan Thái Bình (Quảng Nam) vẫn còn băn khoăn.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, doanh nghiệp phải nộp thuế từ 5-10 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp làm ăn có lãi chứ không bị lỗ nhưng vẫn lấy số tiền này sử dụng cho việc khác để tới đúng ngày thứ 90, họ mới nộp thuế.
“Điều này không công bằng đối với doanh nghiệp chấp hành pháp luật, do vậy việc điều chỉnh lãi suất chậm nộp thì nên tăng lãi suất để bảo đảm công bằng. Còn doanh nghiệp nào khó khăn thì có thể thực hiện theo chế độ miễn giảm đã được quy định ở các điều khoản khác”, đại biểu Tuấn nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị dự thảo Luật nên quy định mức tiền nộp chậm này phải bằng mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời gian, thời kỳ nhất định. Làm như vậy sẽ chặt chẽ và phù hợp hơn để tránh lợi dụng chính sách, đồng thời bảo đảm sức sống của luật trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
“Nếu phải sử dụng vấn đề này để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cần phân loại để áp dụng mức thuế là bao nhiêu cho từng loại hình doanh nghiệp. Có thể áp dụng mức lãi suất 0,03%/ngày cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc đối với các hợp tác xã để khuyến khích phát triển hoặc các hộ kinh doanh cá thể khác để họ chuyển thành doanh nghiệp v.v... Cần hết sức cân nhắc để tránh việc lợi dụng chính sách, dẫn đến việc thay vì nộp tiền thuế thì chậm nộp thuế để tránh lãi vay ngân hàng”, ông Phan Thái Bình bày tỏ.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cũng liên quan tới tiền thuế chậm nộp, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đề nghị bổ sung khái niệm “quyết toán thuế” để tránh việc kéo dài nhiều năm mà người nộp thuế không được kiểm tra, quyết toán thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt, tiền chậm nộp quá lớn ngoài mong muốn. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 16 "Quyền của người nộp thuế" đề nghị cơ quan quản lý thuế thực hiện quyết toán thuế năm, một số năm hoặc khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thành Chung