Trưởng ban chỉ đạo dự án, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh; đại diện WB, ông Sergiy Zorya, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư và 13 tỉnh, thành phố tham gia dự án, tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, như: Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ để sớm giao vốn kế hoạch năm 2017 cho các tỉnh; Sở NN&PTNT các tỉnh cần bố trí cán bộ chuyên trách, huy động thêm cán bộ có kinh nghiệm đối với từng lĩnh vực; đẩy nhanh việc nghiệm thu, thanh lý các hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật đã kết thúc; phối hợp thúc đẩy giải ngân dòng vốn tín dụng…
Dự án VnSAT gồm bốn hợp phần chính, gồm tăng cường thể chế để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp, hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững, hỗ trợ sản xuất và tái canh cà-phê bền vững; quản lý, giám sát và đánh giá dự án. Dự án có tổng số vốn 301 triệu USD; trong đó, hơn 237,2 triệu USD vốn vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA (WB), hơn 28,7 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ và 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Dự án thực hiện từ năm 2015 đến 2020, tại 13 tỉnh, thành phố thuộc Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đến tháng 2-2017, các tỉnh ĐBSCL đã đào tạo quy trình canh tác lúa bền vững 3G3T cho hơn 31,4 nghìn nông dân, với diện tích 58.780 ha; xây dựng 97 điểm trình diễn, diện tích 126 ha; các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 7.540 nông dân, với diện tích 8.632 ha; đã thông qua danh sách 14 vườn ươm đạt chuẩn, đủ điều kiện tham gia dự án VnSAT, với tổng số cây giống thực sinh và cây chồi ghép hằng năm hơn chín triệu cây, có thể cung cấp cho nhu cầu tái canh 7.143 ha.
Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà-phê, tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên.