Thường trực Chính phủ đôn đốc tiến độ các dự án giao thông quan trọng
Ngày 12/9, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho ý kiến chỉ đạo về các dự án giao thông vận tải quan trọng. Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giao thông vận tải phải chủ động hơn nữa, tập trung hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục, vướng mắc; tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các dự án, chương trình, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, sân bay và các lĩnh vực khác. Cho rằng có sự trì trệ trong xử lý một số lĩnh vực, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục, trên tinh thần "tiến công, làm hết sức mình, làm đúng pháp luật, nếu vướng mắc thì phối hợp xử lý, giải quyết đến nơi, đến chốn".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Cho ý kiến đối với các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải đối với một số dự án, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Về vấn đề khai thác bay các cảng hàng không, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn ở tất cả các sân bay; chủ động khắc phục những bất cập hiện nay ở các sân bay lớn; bảo đảm hoạt động bình thường của hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, không để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến an toàn bay…Bộ Giao thông vận tải cần công khai minh bạch các dự án đầu tư trong hạ tầng hàng không, dự án Nhà nước làm, dự án nào xã hội hóa để có kế hoạch triển khai và huy động nguồn lực hiệu quả hơn.
Về vướng mắc trong triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh giải quyết, chủ trì xử lý những vấn đề đặt ra, sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động. Các tuyến đường sắt đô thị còn lại ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải rà soát, chủ trì giải quyết vấn đề về tiến độ, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm quy định là chậm nhất đến ngày 31/12/2019, các trạm BOT phải triển khai thu phí không dừng.
Xử lý sự cố môi trường tại Công ty Rạng Đông
Liên quan đến vụ cháy tại nhà kho Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, sáng 12/9, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Binh chủng Hóa học đã triển khai lực lượng tham gia xử lý sự cố môi trường tại đây.
Một số phương tiện của Binh chủng Hóa học tập kết tại khu vực nhà kho bị cháy (Nguồn: tienphong.vn)
Trao đổi tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Văn Bổng, Trưởng Ban Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, việc thu gom, xử lý được tiến hành theo hướng đảm bảo an toàn tuyệt đối, thu gom tới đâu xử lý làm sạch tới đó, tuy nhiên vẫn đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thu gom, xử lý. Trong quá trình tiến hành, các thiết bị quan trắc được sử dụng để giám sát sự phát tán của hóa chất độc hại.
Ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Trưởng Ban khắc phục sự cố của Công ty cho biết, sáng 12/8, các đơn vị liên quan đã họp đưa ra kế hoạch tiến hành tiêu tẩy độc. Quá trình thu gom rác thải sẽ được Binh chủng Hóa học kiểm soát chặt chẽ quy trình cũng như toàn bộ phần khí thải, khí độc nếu có bốc, bay ra ngoài môi trường đều được kiểm soát chặt chẽ để môi trường không khí các khu vực dân cư, cũng như trong nhà máy được kiểm soát ở mức an toàn. Trong sáng 12/9, các đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố môi trường tại khu vực nhà kho Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã hạ đặt xong toàn bộ trang thiết bị máy móc và bắt đầu thực hiện xử lý sự cố theo đúng kế hoạch.
Trước đó, ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã làm việc với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Urenco 10 (Công ty Urenco 10) và Công ty Rạng Đông để thống nhất phương án xử lý, tẩy độc trong và ngoài khu vực cháy. Theo nội dung đã thống nhất, Công ty Urenco 10 sẽ tiến hành thu dọn mặt bằng khu vực cháy để Viện Hóa học môi trường quân sự tiến hành công tác cô lập và xử lý hơi thủy ngân trong khu vực kho cháy trong ngày 12/9.
Bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết
Sáng 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết để điều tra về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" (quy định tại Khoản 3, Điều 229, Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại thành phố Phan Thiết. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Trần Hoàng Khôi. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã có quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận đối với Trần Hoàng Khôi. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã bắt giam Phạm Thanh Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết và Lê Hoàng Anh Tân, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", được quy định tại Khoản 3, Điều 229, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận đọc lệnh bắt ông Trần Hoàng Khôi (người mặc áo sọc trắng, tay dài). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Trước đó, theo kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND ngày 16/5/2019, công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018 còn có nhiều hạn chế, sai phạm.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Việc UBND thành phố Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn trái với các quy định pháp luật, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tiến Lợi, xã Thiện Nghiệp, xã Phong Nẫm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với việc UBND thành phố Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815 m2 trái quy định pháp luật và Sở Tài nguyên và Môi trường cho tách thửa đất ở trên các thửa đất này không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các cá nhân lợi dụng việc cơ quan có thẩm quyền cho tách thửa đất ở, trên diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; phân lô bán nền đất, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở (nền đất ở) rất nhiều trên địa bàn xã Thiện Nghiệp, xã Phong Nẫm, xã Tiến Lợi đã tạo điều kiện, giúp sức cho một số cá nhân tách thửa đất, hợp thửa hình thành điểm dân cư tạo mới, phân lô bán nền đất thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, gây bức xức trong dư luận.
Kết luận thanh tra xác định rõ: Những hạn chế, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Phan Thiết, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết, Chi cục Thuế thành phố Phan Thiết, UBND các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Pháp bị cáo buộc tham nhũng
Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand tại một phiên họp ở Paris ngày 10/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 12/9, công tố viên Pháp cho biết ông Richard Ferrand - Chủ tịch Quốc hội và là đồng minh thân cận của Tổng thống Emmanuel Macron, đã bị buộc tội trục lợi cá nhân liên quan đến một hợp đồng cho thuê bất động sản. Đây là lần thứ 2, ông Ferrand bị cáo buộc tội danh này. Phản ứng trước quyết định của công tố viên, ông Ferrand khẳng định ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Pháp - chức vụ mà ông đảm nhiệm từ tháng 9/2018.
Trong khi đó, Tổng thống Macron tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối dành cho ông Ferrand. Nhà lãnh đạo Macron ca ngợi ông Ferrand là một người trung thành, chính trực, là một chính trị gia mẫu mực.
Theo cáo trạng, năm 2011, quỹ bảo hiểm do ông Ferrand đứng đầu ở Brittany đã cho thuê một tòa nhà với danh nghĩa vợ ông, và sau đó tiến hành cải tạo nhằm tăng giá để trục lợi. Tuy nhiên, ông Ferrand bác bỏ mọi buộc tội và cho rằng vợ ông đã thực hiện ra giải pháp tốt nhất cho quỹ bảo hiểm.
Tàu trật đường ray tại Congo, ít nhất 50 người thiệt mạng
Ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tàu hỏa trật đường ray xảy ra tại tỉnh Tanganyiki, miền Đông Nam Congo vào sớm 12/9. Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định.
Theo Bộ trưởng các vấn đề nhân đạo Congo, Steve Mbikayi, tai nạn xảy ra vào lúc 3 giờ sáng (theo giờ địa phương) khi tàu đang di chuyển trong địa phận thị trấn Mayibaridi. Thay mặt Chính phủ Congo, ông Mbikayi đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đối với gia đình các nạn nhân. Hiện thông tin chi tiết liên quan đến chuyến tàu xấu số này vẫn chưa được công bố./.
PV (tổng hợp)