Dự báo lạc quan về bức tranh kinh tế 2018 (Ảnh: HNV)
Những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018
Thống kê cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI khi khu vực này chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đây là điều rất khó khăn cho nền kinh tế, vì giá trị gia tăng cho Việt Nam là rất ít. Do đó, phải cải cách mạnh mẽ để khu vực kinh tế trong nước có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bởi không có nước nào giàu mạnh, hiện đại, công nghiệp hóa được mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài.
Phân tích về thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng lên mức cao bắt buộc cả nền kinh tế được hâm nóng. Đơn cử, nửa cuối năm 2017, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nuớc phải bơm một lượng tín dụng lớn ra nền kinh tế với mức tăng trưởng đặt ra cho cả năm tăng từ 18 lên là 21%. Vì thế, việc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên cao sẽ tác động đến chính sách tiền tệ, đẩy chính sách tiền tệ hoạt động mạnh hơn bình thường. Với việc Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% cho 2018, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nó sẽ làm giảm áp lực cho chính sách tiền tệ. “Tuy nhiên, dù tăng trưởng là con số nào thì việc định lượng tăng trưởng kinh tế không phải là chỉ tiêu duy nhất, vấn đề mà mọi nguời mong muốn là chất lượng tăng trưởng phải đặt đặt lên hàng đầu, nghĩa là chất lượng đời sống của người dân phải được tăng lên, thanh khoản của DN phải được cải thiện”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 đạt mục tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần quyết tâm thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, đẩy mạnh khoán chi hành chính, sử dụng xe công, đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, quản lý nợ công. Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của DN.
Tin tưởng vào triển vọng của kinh tế năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 - 2018, với nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chắc chắn trong năm 2018. Đặc biệt, IMF dự báo khá lạc quan về kinh tế Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Đây là những yếu tố sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2017, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực từ 5,7% lên 5,9% cho năm 2017 và từ 5,7% lên 5,8% năm 2018. Theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây tiếp tục nhận định, kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định. Theo WB, đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách.
Đẩy nhanh các giải pháp phát triển kinh tế 2018
Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2017 đã nêu ra những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Theo đó, tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cần tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: 1) tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; 2) cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất; 3) phát triển hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của người dân; 4) chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; 5) xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; 6) giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; 7) làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ nhấn mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bước vào năm 2018 và hướng tới 2021, cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ. “Chúng ta quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ đã nói là làm và làm ngay, những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế; hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt, tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực của dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất”- Thủ tướng khẳng định.
Lê Anh