Trước khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành Đề án và xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Huyện ủy đã làm việc với các cơ quan liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo, bàn các giải pháp về định hướng nghề nghiệp và đạo tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và kế hoạch hàng năm của cấp ủy, chính quyền huyện và các xã, thị trấn. Ngoài ra còn chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua hội nghị, các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, thông tin trên các phương tiện truyền thông... Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của của tỉnh, huyện về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; tuyên truyền các chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 76 của Tỉnh ủy, các mô hình hiệu quả giữa dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho đoàn viên, hội viên và người dân về các chính sách dạy nghề và vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh công tác tuyên truyền Huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2012 đến tháng 10/2017 toàn huyện đã tổ chức tuyển sinh dạy nghề 104 lớp với 2.945 học viên tham gia học, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 67 lớp, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn là 37 lớp. Số lượng học viên có việc làm sau đạo tạo trong 5 năm chiếm 87,1%.
Chương trình dạy nghề, đều bám sát và thực hiện theo các chương trình khung do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành trong đó Nghề phi nông nghiệp, gồm các lớp: Sửa chữa máy Nông – ngư nghiệp, Cơ khí gò hàn, Điện dân dụng, Nữ công gia chánh, Kỷ thuật xây dựng,... Nghề nông nghiệp, gồm: Kỹ thuật khai thác mũ cao su,Chăn nuôi thú y, Kỷ thuật nuôi ong,…Nội dung dạy chủ yếu là dạy thực hành, thời gian đào tạo ngắn và bố trí vào thời điển nông nhàn nên người lao động có điều kiện tham gia vào các lớp học. Trong quá trình tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện đã chú trọng ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đối tượng chính sách.
Thông qua các chương trình đào tạo nghề, người lao động ở các địa phương đã chủ động tạo thêm việc làm va mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT đã được tiếp thu vào trong sản xuất chăn nuôi. Qua đó đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động ổn định sản xuất.
Thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện; Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động, phân loại đối tượng dạy nghề, đạo tạo nghề phải gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người lao động. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động gắn với các Nghị quyết, đề án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa đào tạo nghề, huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người học nghề để đầu tư cho công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn huyện./.
Nguyễn Thị Hạnh –Huyện ủy Cam Lộ