Ước tính, ngành sản xuất TCMN tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước (Ảnh: K.D)

Đó là ý kiến được đưa ra  tại buổi tọa đàm “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) vào thị trường châu Âu”, tổ chức sáng ngày 19/9, tại Hà Nội.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, hàng TCMN hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, các loại sơn mài, sản phẩm TCMN từ lụa, hoa giả… Ước tính, ngành sản xuất TCMN tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước. Với những nét đặc sắc, tinh xảo, hoàn mỹ, hàng TCMN của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng TCMN xuất khẩu vào các nước châu Âu hiện còn rất hạn chế, mới có khoảng 8% vào nước Đức, 7% vào Pháp...

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty Đức Phong – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trong lĩnh vực mây tre đan cho biết, các đơn hàng nhập khẩu của châu Âu thường khá lớn khiến các khoản chi phí kinh doanh rất cao. Trong khi đó, đa số sản xuất hàng TCMN của Việt Nam còn nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất thường là công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ, hợp tác xã và chủ yếu là hộ gia đình, nên rất khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng có số lượng lớn và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, hàng TCMN của Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, chưa quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường và sáng tạo mẫu mã phù hợp với từng thị trường mà chủ yếu dựa vào mẫu mã của người mua hoặc mẫu mã truyền thống có sẵn.

Mặt khác, nhiều người sản xuất hàng TCMN hay nhấn mạnh đến tính dân tộc hoặc văn hóa của sản phẩm. Nhưng những đặc tính này có giá trị đối với dân tộc hoặc nền văn hóa này, song lại không có ý nghĩa gì đối với một dân tộc hoặc nền văn hóa khác...

Vì vậy, để châu Âu là thị trường tiềm năng của mặt hàng này, sản phẩm TCMN của Việt Nam cạnh tranh được trên thế giới, có ý kiến cho rằng, nên chăng nhà xuất khẩu, nhà sản xuất mặt hàng TCMN cần nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các dân tộc sống ở châu Âu để lồng ghép vào sản phảm xuất khẩu sang thị trường này, chứ không thể áp đặt những giá trị văn hóa của mình trên sản phẩm bán cho người châu Âu.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương - ông Nguyễn Thế Lanh cho biết, đối với các mặt hàng gốm ngoài vườn và gốm trang trí trong nhà như chậu trồng cây, tượng, hình các con vật, đài phun nước, vỏ đồng hồ... mặc dù đang có khả năng cạnh tranh tốt, song vẫn cần chú ý cải tiến khâu đóng gói và vận tải để giảm chi phí vận tải từ Việt Nam sang châu Âu cũng như trong chính thị trường châu Âu. Mặt khác, cũng cần phải chú ý cải tiến thêm mẫu mã, nhất là màu sắc cho phù hợp với thị hiếu ở châu Âu.

Riêng với các mặt hàng làm từ mây, tre, lá, hàng thêu và quà tặng thì các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, trừ phi tạo ra được các mặt hàng có mẫu mã độc đáo và tinh xảo, và được tiêu thụ qua kênh phân phối riêng. Song vì Trung Quốc không xuất khẩu nhiều mặt hàng sơn mài, nên đây là lĩnh vực Việt Nam vẫn có thể thâm nhập sang thị trường châu Âu, nhưng phải có mẫu mã phù hợp với thị trường. “Hướng thâm nhập chủ yếu vào thị trường châu Âu của hàng TCMN Việt Nam trong thời gian tới là chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp với thị trường, và với số lượng nhỏ để đi vào các thị trường ngách của châu Âu” - ông Nguyễn Thế Lanh nhấn mạnh./.

K.D