Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản Nhà xuất bản năm 2017 (Ảnh:K.T)

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) và báo cáo của Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, trong năm 2017, hầu hết các cơ quan chủ quản đã thực hiện tốt công tác định hướng kế hoạch xuất bản cả năm và từng giai đoạn; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu xuất bản, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin giúp các nhà xuất bản chủ động tiếp cận các mảng đề tài theo đúng chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ mục đích, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của địa phương, ngành, lĩnh vực; đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

Trên cơ sở định hướng xuất bản của cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản đã tập trung tổ chức, khai thác nhiều bản thảo có chất lượng, xuất bản được một số bộ sách, tủ sách, đầu sách có giá trị, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng xuất bản; phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả các loại sách. Bên cạnh đó đặc biệt đáng chú ý là xuất bản phẩm phục vụ các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2017; xuất bản phẩm tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; các ấn phẩm có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch….

Năm 2017, dưới sự chỉ đạo và định hướng của cơ quan chủ quản, nhìn chung, các nhà xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, góp phần nâng cao dân trí và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà xuất bản.

Tính đến ngày 29/12/2017, các nhà xuất bản trong cả nước đã đăng ký 63.814 tên xuất bản phẩm; Cục Xuất bản, In và phát hành xác nhận 62,800 tên xuất bản phẩm. Tổng số xuất bản phẩm của 60 nhà xuất bản nộp lưu chiểu là: 30.157 xuất bản phẩm. Trong đó, xuất bản phẩm dưới dạng sách giấy 28.500 cuốn với 310.200.000 bản. Xuất bản phẩm điện tử 217 xuất bản phẩm. Xuất bản phẩm khác (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch…) là 1.800 loại với 33.000.000 bản.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, công tác xuất bản cũng còn một số hạn chế như:  Công tác kiểm tra, của một số cơ quan chủ quản chưa sâu sát, kịp thời dẫn đến một số nhà xuất bản sai phạm, yếu kém kéo dài, kể cả sai phạm về nội dung và trong sản xuất kinh doanh. Năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã xử lý 155 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản; trong đó, xử lý 101 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung; 05 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả; 49 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác của Luật Xuất bản. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn tự xử lý và báo cáo Cục Xuất bản, In và Phát hành 36 xuất bản phẩm vi phạm….

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những kết quả mà các nhà xuất bản và các cơ quan chủ quản đã làm được trong năm qua; đồng thời, nhấn mạnh: Bước sang năm 2018, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, người dân tiếp tục quan tâm và đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng của các xuất bản phẩm.

Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Phạm Văn Linh yêu cầu các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền theo tinh thần đổi mới, sáng tạo. Nghiên cứu chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin đối ngoại, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Thông báo Kết luận số 19- TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42- CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Chủ động hoàn thiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng theo hướng hiện đại, theo kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cần tập trung tăng cường đầu tư nguồn lực cho các nhà xuất bản; chú trọng cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư nâng cấp trụ sở, tăng cường các trang thiết bị tác nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; có chính sách phù hợp phát triển nguồn nhân lực bằng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ; chăm lo công tác phát triển đảng, công tác chính trị tư tưởng đối với nhà xuất bản; kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động trong đơn vị, nhà xuất bản….

K.T