Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Hoạt động của cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh gọn và đảm bảo tính chính xác. Tại tỉnh Quảng Trị hiện đã và đang xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, để việc chuyển đổi số tiếp tục đạt được những thành công nhất định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 4/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cho từng lĩnh vực cụ thể. Gần đây nhất, ngày 29/7/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND về Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.
Để xây dựng, phát triển chính quyền số, tỉnh tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo thống kê, hiện nay hệ thống quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử. Nhờ đó, tỷ lệ trao đổi văn bản trên môi trường điện tử các cấp đạt từ 98 - 100% ( trừ những văn bản mật và tuyệt mật). 100% các sở, ban, ngành và địa phương đã được cấp chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành qua mạng. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được lắp đặt ở các huyện trong toàn tỉnh.
Mặt khác, 100% xã, phường, thị trấn đã được hỗ trợ triển khai hội nghị truyền hình kết nối 2 chiều từ Chính phủ về cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh tiếp tục được duy trì và khai thác hiệu quả. Cụ thể đã tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội…
Bên cạnh đó, ứng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; tích hợp kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh; 100% sở, ban, ngành, địa phương có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên trang thông tin điện tử của tỉnh, bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt từ UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin KT-XH tỉnh... IOC tỉnh cũng đã thiết lập và khai thác hiệu quả các kênh giao tiếp nhằm kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền, trong đó Cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh đến nay cơ bản đã phát huy tác dụng, được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều người dân tương tác và được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu được triển khai tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh như các phần mềm quản lý: cấp giấy phép lái xe, cầu đường, vi phạm, đối tượng chính sách, công tác tiếp dân, tài sản, phổ cập giáo dục và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, bưu chính, viễn thông, thông tin cán bộ, công chức tỉnh, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, phòng ngừa và xử lý sự cố hóa chất, dân cư, đất đai - nhà ở, đăng ký doanh nghiệp, tài chính... đã được hoàn thiện, chuẩn bị tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thành kết nối với Hệ thống Quản lý hộ tịch với Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an và Hệ thống dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt, sau 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh 1.187 dịch vụ công mức độ 4 và hơn 215 dịch vụ công mức độ 3; tiến hành đăng ký triển khai tích hợp công khai hơn 1.175 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mặt khác, tỉnh đã hoàn thành kết nối liên thông với Cổng thanh toán quốc gia để người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí hồ sơ thủ tục hành chính.
Ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền số vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn kinh phí triển khai các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hàng năm còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đang trong giai đoạn hình thành và từng bước phát triển, còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo hoạt động thống nhất; thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung… Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của một số ngành, lĩnh vực còn chậm; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; một số người dân, doanh nghiệp còn chưa tiếp cận, chưa biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trình độ hiểu biết, ứng dụng về công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính…
Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiêp, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác chuyển đổi số, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về sự cấp thiết xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương, đơn vị.
Đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của chính quyền số. Chú trọng bảo đảm hạ tầng để kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của các Bộ, ngành và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu 1 lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho xây dựng chính quyền số. Tập trung đầu tư cho hạ tầng số, đặc biệt là khu vực nông thôn vì đây là khu vực chuyển đổi số đang gặp nhiều khó khăn do yếu kém về hạ tầng.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đẩy mạnh và xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo cơ sở phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Hải Đăng