Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, đảm bảo nguồn cung 

(ĐCSVN) – Xăng dầu là nguồn năng lượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, hạ tầng dự trữ xăng dầu, cung ứng đồng bộ, ổn định, là yếu tố quan trọng.

Đó là chia sẻ của các đại biểu tại Tọa đàm: "Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra" diễn ra tại Hà Nội ngày 12/4 do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trước hết cần phải rà sóa lại các nghị quyết, luật, cũng như các quy định pháp lý khác. Theo ông Hùng, sắp tới sẽ có Nghị quyết để thay thế Nghị quyết 41 về chiến lược phát triển ngành dầu khí. Ngoài ra, các luật ví dụ như Luật Dự trữ Quốc gia, các luật về thuế, luật chuyên ngành, nếu cần thiết, chúng ta cần phải có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu rồi lưu trữ, phân phối xăng dầu và đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia.

Liên quan đến câu chuyện về hỗ trợ về tài chính, tín dụng… ông Hùng đề nghị, cho tiếp tục dự trữ xăng dầu quốc gia được dự trữ chung với dự trữ xăng dầu lưu thông vì hệ thống kho bãi đang hạn chế.

“Mặc dù điều này chưa được đúng lắm với quy định của Luật Dự trữ quốc gia về chuyên biệt. Ngoài ra, họ cũng đề nghị có sự điều chỉnh về mức phí quản lý xăng dầu liên quan đến dự trữ quốc gia. Vấn đề này, hiện nay tôi biết rằng là đang áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 20 năm và định mức chi phí quản lý là khoảng gần 15.000 đồng/lít. Theo đó, chi phí tính toán được vào khoảng 70.000 đồng đến 80.000 đồng rồi. Do vậy, cần phải điều chỉnh mức phí này cho phù hợp và đáp ứng được bối cảnh phát triển đất nước hiện nay”. Ông Hùng nêu rõ.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải phân tích, mục tiêu của Nghị quyết 55 tại điểm b các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước và thị trường chiến lược đáp ứng tối thiểu 70 ngày nhập dầu. Cho nên, việc dự trữ xăng dầu là rất cần thiết, là tất yếu khách quan để bảo đảm dự trự năng lượng quốc gia.

“Hiện nay, theo quy định pháp luật là Nghị định 53 và Nghị định 95 trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm 20 ngày, nhưng thực tế chỉ được 6,5 ngày. Vì không được dự trữ đầy đủ nên xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng nên các doanh nghiệp rất khó”- ông Nguyễn Đức Hạnh đánh giá.

Ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ thêm, như Nhật Bản, dự trữ xăng dầu quốc gia 126 ngày tại kho Nhà nước và kho thuê của tư nhân. Doanh nghiệp dự trữ 78 ngày tại các kho, bể chưa lọc dầu và tại các kho xăng dầu thuộc doanh nghiệp tư. Dự trữ hợp tác với các quốc gia khác sản xuất mỏ là 4 ngày. Dự trữ này doanh nghiệp 50 % đối với dầu mỏ và dầu thô. Đối với quốc gia là 90% dầu thô, 10% đối với các loại hình dự trữ khác. Việc dự trữ 90% dầu thô là để tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế vì đỡ hao hụt, bay hơi. 

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Cái quan trọng nhất hiện nay vẫn là chỉ đạo điều hành từ Nhà nước, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cân đối bao nhiêu đấy là vấn đề quá hiểu, tiền phải huy động xã hội, tiền của ngân hàng là tiền của dân nhưng vào trong tay họ thì phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn, có lãi và phải làm theo Luật, chứ không được cảm tính. Quốc Hội cũng cần xem xét lại Nghị quyết nợ xấu, có những người lợi dụng để làm hại nền kinh tế. Trước đây, chúng tôi cũng rất ủng hộ thu hồi nợ xấu, nhưng chính sách tín dụng như thế này cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Đối với lĩnh vực xăng dầu, dự trữ xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các hợp đồng tín dụng có liên quan. Cần thiết phải đưa vào thanh tra giám sát. Thì nó sẽ chặt chẽ, đánh giá rõ, tránh hiện trạng ông nói xuôi, bà nói ngược. Muốn đảm bảo xã hội hóa, cần nới lỏng chính sách tín dụng nhưng theo kiểu thắt chặt. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi, đánh giá, hợp lý không cảm tính, cần có chính sách tín dụng riêng về lĩnh vực này”.

Toàn cảnh Tọa đàm 

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương cho hay: Qua đánh giá của Bộ Công thương, nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ở đây chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.

Hiện nay theo thống kê, có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Petrolimex, PVoil và Tổng công ty xăng dầu Quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.

Ông Giang cho biết, qua đánh giá, chúng ta nhận thấy vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Trong quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu, sau năm 2030 về hạ tầng dự trữ xăng dầu, dự trữ khí đốt; cung ứng xăng dầu, khí đốt. Dự thảo cũng đề ra quy hoạch phát triển hệ thống kho xăng dầu, đường ống xăng dầu; kho khí đốt, đường ống khí đốt. Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỉ đồng.
 
An Nhiên
368 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 814
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 814
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87122430