Với hồ sơ sức khỏe cá nhân, khi cần khám chữa bệnh, người dân có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế. Các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho bác sĩ một cách nhanh chóng, chính xác; tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, đồng thời phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Thông qua đó, giúp cho việc quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT hiệu quả và ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn. Mỗi lần tái khám hay điều trị, các dữ liệu này sẽ được cập nhật, bổ sung, giúp người dân nắm và hiểu rõ hơn diễn biến bệnh tật, sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó với những người không có điều kiện đến các cơ sở khám chữa bệnh, các y, bác sĩ trực tiếp đến tận nhà thăm, khám và các biểu hiện bệnh đều được ghi chép, nhập vào hồ sơ điện tử.
Sau khi UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 2789/KH-UBND, ngày 03/7/2018 về việc triển khai khám, lập hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị lập kế hoạch triển khai, thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân tại 5 địa phương (huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà) với 04 bước: cập nhật dữ liệu cá nhân từ kho dữ liệu của BHXH để lấy mã định danh Y tế; tổ chức điều tra thu thập thông tin thông qua phiếu thu thập; cập nhật thông tin điều tra vào hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ; cập nhật thông tin sức khoẻ của cá nhân khi người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế và cập nhật thông tin tiêm chủng (nếu có). Sau 5 tháng triển khai, có 3 địa phương: Cam Lộ, Gio Linh và Thị xã Quảng Trị đã đạt tỷ lệ 100% hồ sơ hoàn thành.
Trong năm 2019, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai lập hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn 4 huyện còn lại (Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng và Vĩnh Linh). Đồng thời đề ra mục tiêu đảm bảo 100% người dân trên địa bàn các huyện được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và được quản lý trên hệ thống phần mềm.
Có thể nói, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT và chăm sóc sức khỏe toàn dân là giải pháp hay để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, để phát huy hiệu quả cao rất cần sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân nhằm hướng tới việc xây dựng cộng đồng có đủ trí, lực góp phần phát triển KT-XH địa phương. Hoàng Anh Tuấn