Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn  

Quảng Trị là một tỉnh nông nghiệp, vì vậy để nông nghiệp, nông thôn phát triển ngày càng cao, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, thực hiện đổi mới sáng tạo, “khoa học công nghệ phải đi trước một bước” mở đường nhằm để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lực lượng sản xuất là sự thống nhất hữu cơ giữa người lao động với tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ lao động. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ ngày nay trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định khoa học công nghệ được xác định là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất, là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng, then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động.

Với sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học và công nghệ cho thấy mối quan hệ gắn bó ngày càng mật thiết giữa khoa học và công nghệ với sản xuất. Trước đây, sản xuất chưa thực sự gắn kết với khoa học và chưa được hiện đại hóa thì ngày nay khoa học và công nghệ ngày càng hiện đại và là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Các thành tựu khoa học và công nghệ ngày càng xâm nhập sâu vào quá trình sản xuất và trở thành lực lượng trực tiếp sản xuất; thời gian ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ với sản xuất đang ngày càng rõ nét và trở thành xu thế tất yếu. Khoa học và công nghệ tác động mạnh mẽ đến công cụ lao động, đối tượng lao động đã tạo ra bước nhảy vọt của các yếu tố trong tư liệu sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã hình thành xu hướng vận động chung của lực lượng sản xuất hiện đại là không ngừng thay thế dần các trang thiết bị kỹ thuật, các quy trình, hệ thống công nghệ cho năng suất thấp, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu, thải bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường… bằng những thiết bị, hệ thống công nghệ cao mang nhiều hàm lượng tri thức đồng thời cho năng suất chất lượng cao. Trong các yếu tố cấu thành và quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất thì công cụ lao động giữ vị trí rất quan trọng, nó là cái quyết định năng suất lao động, biểu hiện khả năng chinh phục và làm chủ tự nhiên của con người.

Mặt khác, khoa học và công nghệ không chỉ tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển tư liệu sản xuất, mà còn có những tác động tới người lao động - yếu tố hàng đầu của lực lượng sản xuất. Hoạt động của tư liệu sản xuất phụ thuộc vào hai tiêu chí của người lao động là thể lực và trí lực, song con người cũng phải phụ thuộc vào tư liệu sản xuất hiện có, phụ thuộc vào việc họ sử dụng tư liệu sản xuất nào. Trước đây, người lao động chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm, thói quen, thể lực,… thì ngày nay dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, người lao động cần phải có tri thức, hiểu biết,… để tham gia vào quá trình sản xuất. Người lao động không còn là nhân tố thao tác trực tiếp trong hệ thống sản xuất mà chủ yếu vận dụng tri thức khoa học để điều khiển quá trình sản xuất.

Những thành tựu của khoa học, công nghệ đã góp phần đáng kể trong việc phát triển tư liệu sản xuất, trước hết là cải biến những công cụ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự xâm nhập, chuyển giao về khoa học, công nghệ đã tạo nên sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Những công cụ lao động giản đơn mang tính chất tiểu thủ công nghiệp đã được thay thế bằng những dây chuyền máy móc thiết bị tối tân, hiện đại. Sức lao động của con người được giải phóng, lao động chân tay dần được thay thế bởi lao động trí óc, lao động giản đơn dần được thay thế bằng sự chuyên môn hóa ngày càng cao. Những sự thay đổi lớn lao của công cụ sản xuất đã làm cho năng suất lao động tăng, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và có chất lượng cao. 

Đề thực hiện mục tiêu “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất sạch, công nghệ cao, hàng hóa lớn trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng”,  Quảng Trị đã tập trung  ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, một số sản phẩm (như cây ăn quả, chăn nuôi, thuỷ sản,...) phát triển nhanh cả về quy mô, năng suất, chất lượng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và giữ được ổn định tăng trưởng nông nghiệp, đời sống người nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi hơn, đóng góp ngày càng cao trong giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp. Chuyển giao, ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến, góp phần tăng năng suất, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm, nhất là phát triển công nghệ cao; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp; các sản phẩm có lợi thế quy mô hàng hóa còn nhỏ.

Để nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị phát triển ngày càng cao, tỉnh cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, thực hiện đổi mới sáng tạo, “khoa học công nghệ phải đi trước một bước” để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là trong công tác giống, quy trình sản xuất, cơ giới hóa và tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghiệp bảo quản, chế biến tinh sâu, nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường.

Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại nhằm đổi mới quy trình từ quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trang bị các máy móc, hệ thống thiết bị đồng bộ, hiện đại để tạo ra những sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng và giá thành thấp nằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường... Việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào trong nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học - công nghệ, người lao động nông thôn sẽ tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, cách thức làm việc cho phù hợp. Tân Linh

4595 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1272
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1272
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76197075