Gia cố đê đề phòng nước lũ dâng cao (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay, hệ thống đê điều của nước ta có khoảng 9.300 km đê, trong đó có gần 2.900 km đê biển và khoảng 6.400 km đê sông; trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt ở 21 tỉnh, thành phố, còn lại là đê dưới cấp III.

Trên các tuyến đê từ cấp III trở lên hiện còn tồn tại nhiều đoạn đê thiếu cao trình, mặt đê nhỏ hẹp, nhiều sự cố thường xảy ra trong các mùa lũ chưa được xử lý. Các cống cũ, hệ thống kè bị hư hỏng, xung yếu cần tu bổ, sửa chữa. Qua công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ 2018, các địa phương đã xác định 249 trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Trước thực trạng trên, nhằm từng bước đảm bảo khả năng chống lũ của hệ thống đê điều, công tác quản lý, tu bổ, duy tu bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống công trình đê điều đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Cùng hỗ trợ cho công tác quản lý, tu bổ đê điều, khoa học công nghệ đã được từng bước ứng dụng, đáp ứng yêu cầu kịp thời, giúp chủ động trong việc tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng chống lũ.

Thời gian qua, trong công tác nghiên cứu, nhiều dự án, đề tài đã được thực hiện, làm cơ sở để đề xuất các chính sách, quy hoạch… trong phòng chống lũ, quản lý đê điều. Đáng chú ý như: Lập quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình, quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, quy hoạch đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả cắt lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ đập và vùng hạ du trong điều kiện mưa lũ lớn, đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, điều tra đánh giá hiện trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các mô hình thí điểm giao đất, giao rừng ngập mặn bảo vệ khai thác phát triển bãi.

Trong xây dựng, tu bổ đê điều, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng, áp dụng để thiết kế, thi công công trình đê điều với khoảng 35 tiêu chuẩn chính cho thiết kế đê, kè, cống. Bên cạnh đó, nhiều công trình được áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như khoan phụt vữa gia cố thân đê (từ năm 2008 đến nay gia cố được 395km đê); xây dựng kè chữ T chắn sóng, gây bồi tạo bãi ở đê biển Hải Hậu, Nam Định; tạo bãi bảo vệ đê biển bằng cấu kiện bê tông lắp ghép ở đê biển 6, Tiền Hải, Thái Bình,…

Cùng với đó, việc số hóa bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu về đê điều đã được bắt đầu từ năm 2007. Đến nay, đã có hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều của 19 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III trở lên, giúp truy cập dễ dàng qua giao diện web từ máy tính cũng như trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Cơ sở dữ liệu cung cấp đầy đủ thông tin về các tuyến đê, công trình kè, cống, kho bãi vật tư và các công trình phụ trợ cũng như các tính năng tra cứu tiện dụng, là công cụ đắc lực hỗ trợ cho công tác quản lý đê, hộ đê.

Với việc quan trắc, theo dõi mực nước các trọng điểm xung yếu đê điều bằng hệ thống camera, hiện nay, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… đang chủ động triển khai lắp đặt thêm các camera theo dõi trọng điểm đê điều xung yếu. Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục bổ sung camera vào hệ thống theo dõi đã lắp đặt.

Mặc dù đã ứng dụng được nhiều kết quả khoa học công nghệ trong quản lý đê điều, tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay, tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng riêng cho công trình đê điều còn ít, đa số được xây dựng cho công trình thủy lợi.

Đặc biệt, chưa có công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ theo dõi, tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, nhất là trong các tình huống lũ lớn, đặc biệt lớn theo thời gian thực. Một số vấn đề như ảnh hưởng của khai thác cát trên sông, chỉnh trị sông lớn nhất là các đoạn qua khu vực các đô thị liên quan đến an toàn đê điều… chưa được nghiên cứu đầy đủ để trợ giúp cho việc đề xuất cơ chế, chính sách quản lý phù hợp đảm bảo thoát lũ, an toàn đê điều, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác đê điều, thời gian tới cần chú trọng nghiên cứu xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang tính đặc thù công trình đê điều như: tiêu chuẩn thiết kế, thi công cống dưới đê, tiêu chuẩn kỹ thuật về khai thác cát trên sông liên quan đến an toàn đê điều; rà soát các tiêu chuẩn hiện có phù hợp với hiện tại, tiếp thu các công nghệ mới.

Đặc biệt, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định ứng dụng các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, viễn thám, cơ sở dữ liệu lớn, lưu trữ đám mây…). Nghiên cứu chỉnh trị sông tổng hợp và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tăng khả năng thoát lũ, an toàn đê điều, ổn định lòng dẫn các sông lớn và có diễn biến phức tạp ở đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, cần xây dựng bộ công cụ (kịch bản, dự báo tác động, phương án và kế hoạch ứng phó) trong trường hợp xảy ra lũ khẩn cấp, lũ cực lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Đề xuất chuyển giao công nghệ, vật liệu xử lý nền đê có địa chất yếu; công nghệ vật liệu mới an toàn cho hệ thống đê điều áp dụng cho đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ quản lý, xây dựng, tu bổ, duy tu bảo dưỡng, bảo vệ đê điều./.

 

 

 

BT