Thực hiện chủ trương và định hướng của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là những kết quả trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến nông – lâm – thủy sản, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh… đã thực sự tạo bước chuyển biến tích cực trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với những tiềm năng hiện có, bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp Quảng Trị đang tập trung phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực (gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và dược liệu, cây gỗ rừng trồng; con bò và con tôm) theo hướng bền vững, thông qua xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo đó, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ đã được đặt lên hàng đầu. Trước hết, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, giai đoạn 2016 - 2019 đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây hoa và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao[1], đảm bảo chất lượng, tính di truyền ổn định, sạch bệnh và đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cây keo lai đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng FSC, diện tích rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC của toàn tỉnh đến nay có trên 22.000 ha, đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ, điều này đã mở ra hướng phát triển mạnh cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, tạo thêm công ăn việc làm cũng như hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học đã sản xuất thử nghiệm và thành công nhiều loại chế phẩm sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường như chế phẩm xử lý chất thải, ủ phân hữu cơ vi sinh (Compo - QTMIC), chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi (Bio – QTMIC), chế phẩm xử lý ao nuôi thủy sản (Nitro - QTMIC), chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi (Pro - QTMIC), chế phẩm EM, nấm đối kháng Trichoderma và Pseudomonas... bằng công nghệ tiên tiến, chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý, được người dân đón nhận sử dụng rộng rãi.
Trong lĩnh vực công nghệ chế biến nông, lâm, thủy hải sản đã tập trung nhiều nghiên cứu, ứng dụng theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, nguyên liệu mang tính đặc thù của địa phương như xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại trà hòa tan gồm chè vằng (Trala Vang), cà gai leo - linh chi (Cagali), linh chi (Đất lửa); các loại thực phẩm, thức uống chăm sóc sức khỏe con người như nhộng trùng thảo (Đông Trùng Hạ Thảo), rượu Đông Trùng Hạ Thảo, tỏi đen, rượu tỏi đen... Các sản phẩm này đã được đưa vào sử dụng và được thị trường đón nhận. Đặc biệt đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy tiên tiến để chế biến, bảo quản một số nông sản trên địa bàn như ném, chuối, hồ tiêu, cá... Triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm probiotic có các chủng vi sinh hữu ích phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Trị và ứng dụng vào thức ăn nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm hàng hóa.
Trong trồng trọt, cây lúa được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngành khoa học - công nghệ đã tập trung nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống lúa chủ lực của tỉnh và phục tráng giống lúa HC95 nhằm tạo được một bộ giống tốt, sạch bệnh, mang các đặc tính tốt ban đầu của giống gốc. Ngoài ra, cũng đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam ở vùng đồi K4, tuyển chọn các giống cà phê có triển vọng và chuyển giao cho người nông dân áp dụng nhân rộng mô hình khi tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; nhân giống, trồng thử nghiệm, xây dựng vùng nguyên liệu cây dược liệu trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong; xây dựng mô hình hoa ly thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Hướng Phùng, từ đó làm chủ quy trình sản xuất hoa ly thương phẩm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân trong vùng. Tiến hành trồng thử nghiệm một số mô hình như cà gai leo, chùm ngây, tỏi tía trên cát ven biển, mướp đắng nhà lưới chống côn trùng, một số cây dược liệu khác … Thông qua hiệu quả các mô hình trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi các vùng đất, ruộng bạc màu sang trồng dược liệu, mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, điển hình có cây trạch tả và cây ngưu tất.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cũng được chú trọng. Từ năm 2015 - 2019, đã có 67 tổ chức, cá nhân được hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đến nay, đã có nhiều địa danh trên địa bàn tỉnh được phép sử dụng tên địa danh để xác lập các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như rau an toàn Đông Hà, chuối Hướng Hóa, rượu truyền thống men lá Ba Nang, khoai môn Vĩnh Linh, cao dược liệu Định Sơn, đậu đen xanh lòng Triệu Vân, nước mắm Cửa Việt, nước mắm Cồn Cỏ, nước mắm Mỹ Thủy... Năm 2018, chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị đã mở rộng khu vực địa lý bao gồm 38 xã, thị trấn trên địa bàn 04 huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa. Đây là tiền đề để sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định được giá trị và thương hiệu trong và ngoài nước.
Phải khẳng định rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động từ cơ quan quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp cũng như người sản xuất. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên được nhiều cây trồng có giá trị kinh tế, có sức chống chịu, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh; nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương được sản xuất gắn với thương hiệu, nhãn mác được thị trường chấp nhận, mở thêm nhiều hướng phát triển trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, những kết quả trong thời gian qua mới chỉ là những kết quả bước đầu. Bởi lẽ, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn có những rào cản nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chưa khuyến khích được các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học trên địa bàn tỉnh; điều kiện tự nhiên về khí hậu, thời tiết, hạn hán, lũ lụt, thêm vào đó trình độ dân trí không đồng đều, tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Trong thời gian tới, khoa học - công nghệ vẫn được xác định là giải pháp then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, để khoa học - công nghệ phát huy vai trò “đòn bẩy” với nông nghiệp, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp với nội dung thiết thực, phù hợp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, các trường, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ, đồng thời xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp vừa là đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra của sản xuất. Thông qua doanh nghiệp, các công nghệ sẽ được chuyển giao vào sản xuất, tới nông dân nhanh hơn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, cần thường xuyên tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các tiến bộ, các mô hình sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi khi đưa vào sản xuất thực tế mang lại hiệu quả cao, gắn với đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới cho nông dân và tăng cường liên kết 04 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất) để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, cũng như phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh. Có chính sách mạnh hơn nữa động viên, khuyến khích trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống./. Thanh Lan
[1] như các dòng keo lai, cây Ba Kích, Lan Kim Tuyến, Sâm Cau; các giống hoa Lan, hoa Chuông, hoa Cúc, hoa Đồng tiền