Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngân hàng 

(Chinhphu.vn) - Ứng dụng công nghệ số trong các ngân hàng thương mại là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong giao dịch ngân hàng.

 

Hội thảo “Cải cách hành chính ngành ngân hàng”. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là ý kiến được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Cải cách hành chính ngành ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng”  được tổ chức ngày 16/5 tại TPHCM.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng là luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

Trong đó bao gồm minh bạch hoá các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng (như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…) nhằm tránh tiêu cực; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ bảo đảm nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.

Trong 4 năm qua NHNN luôn dẫn đầu các bộ, ngành trong chỉ số cải cách hành chính. Thêm vào đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” năm 2018 của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.

Tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp đã đưa ra những góp ý nhằm cải cách hành chính của ngành ngân hàng ở Việt Nam trong đó nhấn mạnh đến vai trò của ngân hàng điện tử và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào dịch vụ Ngân hàng trong thời đại hoà nhập 4.0; các cải cách với công nghệ blockchain…

Tăng tiện ích, nâng cao bảo mật cho khách hàng

Ở góc độ DN, cũng như khách hàng của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, muốn tồn tại và phát triển, ngành ngân hàng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như bảo đảm an toàn bảo mật.

Cụ thể, theo ông Hải, các ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng đa phương tiện về công nghệ như giao dịch trực tuyến, điện thoại thông minh… phân tích hành vi tiêu dùng bằng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho DN và từng đối tượng khách được tốt hơn; sử dụng công nghệ trắc nghiệm sinh trắc học trong quản lý và tương tác với khách hàng. Đồng thời, tăng cường bảo mật bằng công nghệ blockchain, bởi công nghệ này mang lại nhiều tiện ích trong các giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, độ bảo mật cao.

Đồng quan điểm trên, Theo TS. Nguyễn Hoàng Tiến, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng di động cần dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng và chi phí giao dịch cần hợp lý. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ giúp xử lý tình huống, giải đáp các thắc mắc của khách hàng chính xác và nhanh chóng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các ngân hàng với nhau nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch của DN và khách hàng.

Bà Võ Thị Tuyết Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết, ngân hàng luôn coi khách hàng là trọng tâm, nên việc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thông suốt cho khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Với tiêu chí ngân hàng đẹp, dịch vụ tốt, Nam A Bank luôn tạo không gian sang trọng, thoải mái cho khách hàng trong các giao dịch với thái độ phục vụ chu đáo; các giao dịch được nhanh chóng, tiện lợi và độ bảo mật cao. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có cơ chế phân quyền cho nhân viên, để xử lý công việc phát sinh với khách hàng được nhanh hơn mà không phải hỏi ý kiến nhiều cấp.

Chia sẻ với các DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, những năm vừa qua, các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ…

Ông Tú nhấn mạnh, thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Về phía NHNN sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động.

Lê Anh

277 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 623
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 623
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78133912