Nỗ lực phổ biến kiến thức, pháp luật PCCC, CNCH đến từng người, từng nhà, từng khu vực dân cư
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an: Trong thời kỳ hiện nay, kỹ thuật và công nghệ số đang ngày càng đổi mới. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cũng cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ để bắt kịp với với xu thế phát triển của xã hội.
Vì thế, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai đồng bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thực tiễn trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, Cục Cảnh PCCC và CNCH phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông đã và đang nỗ lực không ngừng phổ biến, tuyên truyền thông tin đến từng người, từng nhà, từng khu vực dân cư.
Đến nay, các sản phẩm tuyên truyền như clip, hình ảnh khuyến cáo, khẩu hiệu, tin nhắn… hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng, đăng phát trên nền tảng số như Báo Điện tử, App báo cháy 114, tin nhắn SMS, Zalo, Facebook… đã nhận được sự quan tâm, đồng tình và lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Để đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, từ ngày 12/12/2022, Cục Cảnh PCCC và CNCH triển khai tuyên truyền PCCC và CNCH trên: Hệ thống màn hình thang máy DP, LCD trong các tòa nhà, văn phòng, chung cư, siêu thị; hệ thống màn hình LED ngoài trời tại các thành phố lớn; hệ thống màn hình và Wifi maketing tại các sân bay trên toàn quốc.
Đây là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, hiệu quả cao, nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đến người dân theo hình thức xã hội hóa (không thu phí) với mục tiêu cùng chung tay kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra.
Chương trình bắt đầu thực hiện từ tháng 01/2023, kéo dài suốt năm 2023 và năm tiếp theo, đặc biệt vào những dịp cao điểm như mùa hanh khô, Tết Nguyên đán, lễ hội, mùa nắng nóng… để tăng cường truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp nội dung về PCCC và CNCH để tuyên truyền tới người dân.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, nội dung tuyên truyền được thể hiện dưới dạng hình ảnh và video sống động, trực quan. Tần suất xuất hiện liên tục với nhiều nội dung tuyên truyền đa dạng như: PCCC dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm; sàng lọc nguy cơ cháy; an toàn khi sạc điện thoại, laptop, xe đạp điện; hướng dẫn an toàn PCCC điện trong gia đình; kỹ năng xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas…
Nội dung này được phát trên hệ thống truyền thông gồm: 4.446 màn hình DP tại 2.102 tòa nhà, siêu thị; 5.780 màn hình LCD tại 1.767 tòa nhà, siêu thị; 16 màn hình LED tại 14 địa điểm ngoài trời; 250 màn hình LCD tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; phát trên hệ hống wifi marketing tại 06 sân bay như Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh.
Trong giai đoạn tiếp theo, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị truyền thông, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo đẩy mạnh hình thức tuyên truyền này với nội dung dễ hiểu tới người dân, đa dạng hình thức truyền tải trực quan sinh động, hướng đến những tình huống thực tế có thể xảy ra và lan tỏa hơn nữa đến cộng đồng.
PCCC và CNCH là nhiệm vụ chung của toàn xã hội
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 405 vụ cháy, làm chết 16 người, bị thương 11 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 22,44 tỷ đồng.
Ngoài ra, xảy ra 1.311 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 214 vụ CNCH. Tổ chức cứu được 116 người; tìm kiếm được 129 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
So với cùng kỳ năm 2022 giảm cả 03 tiêu chí (giảm số vụ, thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản), cụ thể: Số vụ cháy giảm 38, giảm 05 người chết, giảm 14 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm 35,48 tỷ đồng. Số vụ sự cố cháy giảm 437 vụ. Tuy nhiên tính chất mức độ ngày càng phức tạp, khó lường.
Cùng với quá trình đô thị hóa và dân số tăng nhanh, các công trình quy mô lớn như khách sạn, tổ hợp văn phòng, các cụm công nghiệp,... ngày càng gia tăng.
Nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn cũng theo đó diễn biến phức tạp, vì vậy cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý và ý thức, kỹ năng PCCC và CNCH của người dân phải được nâng lên.
Thực hiện tốt công tác PCCC, CNCH là hạnh phúc của toàn dân; giúp bảo vệ tính mạng và tải sản, giữ được bình yên cho mọi gia đình và xã hội.
PCCC và CNCH là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời cần đẩy mạnh thêm việc tuyên truyền để mỗi công dân, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, chính quyền địa phương tích cực nâng cao ý thức cũng như kiến thức về PCCC và CNCH để tối ưu hiệu quả; kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố tai nạn gây ra, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.