Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi  

(ĐCSVN) - Là “lõi nghèo” của cả nước, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi rất dễ bị tổn thương trước những tác hại mà dịch bệnh COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đồng bào chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục phát huy hiệu quả của các thiết chế truyền thông hiện đang khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch cho bà con.

Vẫn còn chủ quan, lơ là…

Chợ phiên vùng cao - nơi dễ lây nhiễm COVID-19 nếu người dân chủ quan không có ý thức phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. (Ảnh: Phương Liên) 

Đến chợ phiên xã vùng cao Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, có thể thấy một bộ phận lớn người dân vùng cao vẫn còn rất chủ quan, lơ là với việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. 

Sín Chéng là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Chợ phiên chính là nơi phản ánh sinh động nhất trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng trong “thời buổi COVID”, nhìn từ chợ phiên cũng phần nào đánh giá được ý thức phòng chống dịch của người dân địa phương.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt (ngày 12/8/2020 - PV), đúng ngày chợ phiên hàng tuần nên tấp nập người qua lại gặp gỡ, trao đổi, mua bán hàng hóa, ăn uống... Tuy nhiên, rất bất ngờ là hầu như người dân không đeo khẩu trang, mặc dù đây là một giải pháp đơn giản, cần thiết, luôn được chính quyền và ngành Y tế khuyến cáo nhân dân chủ động, tích cực thực hiện. 

Về chợ trung tâm thị trấn Sín Chéng, chúng tôi cũng thấy tình trạng tương tự. Bà Lường Thị Lan, một người bán hàng ở chợ cho biết, bản thân có nghe thông tin về dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn để khẩu trang ở nhà, vì tâm lý chủ quan nơi mình sinh sống, làm ăn chưa có ai mắc bệnh… 

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta có 5.266 xã, phường, thị trấn, chiếm 47,2% tổng số xã toàn quốc. Tổng số xã có chợ là 3.151 xã. Số xã có chợ phiên là 1.089 xã; xã vừa có chợ phiên và chợ hàng ngày là 198 xã. 

Do đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, dân cư nên người dân vùng DTTS, miền núi không có nhiều điều kiện đi lại, giao thương như dưới đồng bằng. Chợ phiên thường họp tuần một lần. Ngày chợ phiên vừa là dịp để đồng bào mua sắm, trao đổi hàng hóa, vừa là cơ hội gặp gỡ, giao lưu sau khoảng thời gian gián đoạn giữa hai phiên chợ. Vì vậy, chợ phiên vui thật đấy nhưng cũng rất dễ trở thành nơi gieo rắc dịch bệnh nếu chẳng may trong số những người có mặt tại đó nhiễm virut SARS-CoV-2, trong khi cộng đồng xung quanh còn rất nhiều người chủ quan, lơ là phòng dịch. 

Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện thông tin truyền thông

Nhìn từ thực tế ở Si Ma Cai có thể thấy chợ phiên phải là một nơi cần được quan tâm triển khai và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động đồng bào áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Cách thức hiệu quả nhất vẫn là ưu tiên sử dụng loa truyền thanh phát các bản tin hoặc các file âm thanh tuyên truyền về phòng chống COVID-19. Công việc này phải được làm thường xuyên, liên tục, dài hơi, kết hợp với việc phát đi phát lại trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn, cụm loa truyền thanh thôn, bản.

Ngoài tuyên truyền tại chợ phiên, cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các thiết chế thông tin truyền thông khác. 

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, hiện nay, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nước ta có các phương tiện thông tin truyền thông khá cao: 81,5% số hộ có tivi, 7,18% số hộ có radio, 10,26% số hộ có máy vi tính; 92,53% số hộ có điện thoại cố định/di động/máy tính bảng. Tỷ lệ người dân nghe Đài Tiếng nói Việt Nam là 58,8%; xem Đài Truyền hình Việt Nam 86,6%; truy cập internet là 61,27%…

Ngay từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta những tháng đầu năm, phát huy vai trò của lực lượng hùng hậu các thiết chế thông tin truyền thông, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các chuyên mục với nội dung, thời lượng hợp lý, phát sóng trong các chương trình tiếng DTTS.

Ủy ban Dân tộc cũng liên tục ra văn bản định hướng 19 cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan, sinh động, dễ nhớ, dễ thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Tuyên truyền đồng bào DTTS, nhất là đồng bào vùng biên giới hạn chế, không đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; không tham dự các lễ hội không được không được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, tự nguyện khai báo y tế đầy đủ; cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng lây nhiễm nhằm nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng dập dịch…

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp và các thiết chế thông tin truyền thông, hy vọng tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch của một bộ phận đồng bào DTTS sẽ được khắc phục, góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, khiến vùng “lõi nghèo” đã khó khăn lại càng khó khăn thêm./.

 
Phương Liên
247 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 535
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 535
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89007593