Hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động đã được triển khai tại 4 đơn vị: Cục Hải quan Thành phố Hải Phòng, Cục Hải quan Thành phố Hà Nội, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu. Các công đoạn này được thực hiện hoàn toàn tự động, giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục giấy tờ, giảm thời gian giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời giảm gánh nặng chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Những bài học rút ra được từ quá trình triển khai tại 4 đơn vị nêu trên sẽ là tiền đề để mở rộng Hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động trong năm 2018.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ hải quan

Trong thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ hải quan. Kết quả cải cách hiện đại hóa hải quan đã mang đến nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, sức ép nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng lớn. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình 5 năm trở lại đây rất cao, đạt khoảng 13,2 % (năm 2013 đạt 264,1 tỷ USD đến năm 2017 tăng gần gấp đôi, đạt  425,1 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng giao dịch (số lượng tờ khai) trung bình năm của 5 năm trở lại đây 16,9 % (năm 2013 đạt 5,9 triệu đến năm 2017 đạt 11,31 triệu tờ khai).

Theo ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế nước ta vẫn chưa thực sự hiệu quả; sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh cảng vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc theo dõi, quản lý hàng hóa tại cảng của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn; thời gian lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp lâu, chi phí lưu kho bãi lớn. Vì vậy, việc triển khai quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế đồng thời ứng dụng công nghệ quản lý tự động, công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay trở thành đòi hỏi bức thiết.

Việc triển khai hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ đến các kho, bãi, cảng nội địa… giúp tăng cường công tác quản lý của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia. Thông qua việc cơ quan hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra và vận chuyển giữa các địa điểm dưới sự giám sát hải quan; rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục khai hải quan; đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không.

Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều từ Hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động được triển khai thành công tại bốn đơn vị: Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho thấy tính thực tiễn đúng đắn của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác kê khai hải quan. Việc triển khai hải quan tự động giúp các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng… giảm bớt chi phí quản lý, tổng hợp, báo cáo về hàng hóa ra, vào, tồn trong khu vực giám sát hải quan của doanh nghiệp, tăng công suất khai thác và tăng năng lực cạnh tranh đồng thời công khai, minh bạch quy trình quản lý; chủ động trong việc thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu trữ chứng từ, sổ sách, cung cấp thông tin, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi trên hệ thống điện tử.

Đáng chú ý, đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hệ thống quản lý hải quan tự động sẽ giúp giảm thủ tục nhận hàng tại khu vực kho, bãi, cảng. Doanh nghiệp không phải xuất trình chứng từ để cơ quan Hải quan kiểm tra, xác nhận trên hệ thống và chứng từ giấy như trước đây. Điều này cũng giúp giảm tối đa thời gian lấy hàng ra khỏi cảng cho doanh nghiệp khi có thể kiểm tra được trạng thái hàng hóa thông qua mạng internet. Đối với các doanh nghiệp, yếu tố thời gian cũng là một ưu thế trong kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Theo tính toán của Cục Hải quan Hải Phòng, trước đây thời gian trung bình để cán bộ hải quan xác nhận cho một tờ khai mất khoảng 2 phút, bình quân một ngày có 7.592 tờ khai hải quan qua cảng Hải Phòng. Như vậy, khi triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động, tổng thời gian hàng hóa qua khu vực giám sát sẽ giảm được khoảng 253 giờ.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tiết giảm được chi phí khi thực hiện theo quy trình mới. Theo cách cũ, doanh nghiệp cần in và xuất trình cho bộ phận giám sát hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng danh sách container và danh sách hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát, trong khi đó với quy trình mới không cần việc này.

Theo thống kê, năm 2017, toàn quốc có 4,79 triệu containner nhập khẩu được khai hải quan, nếu một trang giấy A4 thể hiện được 10 container (kèm theo mã vạch) thì tổng số lượng trang cần sử dụng để in là 479.000 trang giấy. Đây quả là một con số không nhỏ.

Trong thời gian tới, ông Lưu Đức Thành cho biết, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan sẽ chủ trì thực hiện việc xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai mở rộng hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động của ngành Hải quan năm 2018. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, điều phối việc triển khai hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động tại các đơn vị trong toàn ngành; hỗ trợ xử lý các vướng mắc, khó khăn của các đơn vị trong quá trình triển khai. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động, phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu triển khai mở. Cùng với đó, hỗ trợ các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc tổ chức kết nối hệ thống của hải quan với hệ thống của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, đảm bảo việc vận hành hệ thống được thông suốt, an ninh, an toàn …/.

Minh Phương