Quang cảnh Hội nghị .

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình cùng thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

Đa dạng hình thức, cách làm sáng tạo

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ngành và địa phương, sự đồng tình, ủng hộ Nhân dân, năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai rộng rãi từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Trong đó, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới. Thực hiện Chỉ thị này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã đề ra và chỉ đạo nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người dân; thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao; các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chủ động tận dụng thời điểm khó khăn của thị trường để chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch và bắt kịp cuộc Cách mạng 4.0; nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã thể hiện được uy tín và chiếm lĩnh thị phần nội địa và xuất khẩu đi nước ngoài. Theo thống kê tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD.

  Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Những kết quả, nỗ lực trong triển khai Cuộc vận động đã góp phần góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 diễn ra vào thời điểm tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động; ở trong nước, toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị các cấp đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; tình hình kinh tế, vấn đề lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ án lớn về kinh tế đang được điều tra, làm rõ…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn tồn tại những hạn chế, cần khắc phục, như: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động không thể triển khai theo Kế hoạch; tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động năm 2021, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 92.984 cuộc tuyên truyền với 4.097.471 lượt người tham dự, tổ chức được 598 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 7.995 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 812 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”; “Điểm bán hàng Việt”; “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”…

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp…. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã có nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, chương trình tuyên truyền phong phú, nội dung đổi mới, chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay như: “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Bình Thuận); “Nông sản Hải Phòng hướng tới người tiêu dùng Việt”; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Cuộc vận động (Bình Dương); ngày hội “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”, mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” (Hậu Giang, Hòa Bình); mô hình “ Doanh nhân đồng hành cùng hàng Việt”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang; ”mô hình “Mỗi tuần giới thiệu một sản phẩm Việt Nam chất lượng cao” (Bến Tre); mô hình “Nhận diện hàng giả, hàng thật” (Hà Nội)…

Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động từ trung ương tới địa phương phần lớn tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh nên hầu như chưa thực hiện được công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Qua báo cáo năm 2021 của các cơ quan liên quan, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép... diễn ra rất phức tạp: không khai báo xuất xứ hàng hóa; một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, chủng loại, nhãn mác… Lực lượng quản lý thị trường phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ, ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng.

Mỗi sản phẩm làm ra phải đáp ứng được việc cạnh tranh thị trường

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị .

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong năm 2022, Ban Chỉ đạo thống nhất tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Cuộc vận động trong tình hình mới. Tiếp tục tham mưu với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp triển khai Cuộc vận động đảm bảo hiệu quả, thiết thực theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trung ương Đảng.

Cùng với đó cần tăng cường đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế…công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù, phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về biên giới; giới thiệu các mặt hàng OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và rút ra những bài học từ thực tiễn của mỗi cơ quan, mỗi địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc Vận động; về nội dung và tính hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian qua; các giải pháp triển khai Cuộc vận động để thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19 còn kéo dài và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận thị trường… để Cuộc vận động không mang tính hình thức, thực sự được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và trở thành động lực quan trọng phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định, Cuộc vận động góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch. Vì vậy, cuộc vận động ngày càng mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

Từ ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cơ quan, bộ ngành, tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó rà soát lại các nội dung và kế hoạch trong năm 2022. Trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi số; tăng cường các đoàn của Ban Chỉ đạo để kiểm tra, giám sát việc triển khai Cuộc vận động của từng địa phương; tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai Cuộc vận động để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội…

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Công thương cần tham mưu việc kết nối cung cầu để làm sao không còn hiện tượng nông sản Việt ùn tắc như hiện nay. “Một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường là phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta có. Mỗi sản phẩm làm ra phải đáp ứng được việc cạnh tranh thị trường” – đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các cơ quan đẩy mạnh công tác truyền thông và phát huy vai trò phối hợp để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống./.

Thu Hà