Nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu
|
Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Long An. (Ảnh: K.V) |
Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch, nhất là phải đối mặt với dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khi mà một số địa phương đang phải giãn cách xã hội do tái bùng phát dịch lần thứ tư.
Để hạn chế thiệt hại cho người sản xuất, rất cần một hệ thống bảo quản và các nhà máy chế biến tại các địa phương, khu vực, trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản ở nước ta còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động. Thế nhưng, khâu chế biến đang là điểm nghẽn khiến cho nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp. Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nông sản trong nước mới có từ 20% đến 30% thông qua chế biến xuất khẩu. Chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản.
Một trong những thách thức đang tồn tại, đó là dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa kịp đổi mới, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các quốc gia có dịch.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, đang tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi sát các diễn biến thị trường cũng như cảnh báo từ các đối tác thương mại để điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp và hiệu quả.
Từ kinh nghiệm năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp và đang cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì đây là những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề cho bứt phá trong thời gian tới.
Sự tăng trưởng này có được là nhờ vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào số ít thị trường truyền thống. Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Từ đó giúp doanh nghiệp và người sản xuất định hình được thị hiếu cũng như nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Cần tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động
|
Nông sản được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong các siêu thị. (Ảnh: K.V) |
Trên thực tế, thời gian qua, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trên cả nước đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản khi dịch bệnh đang tái bùng phát trở lại. Bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện cách làm mới để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh. Việc thay đổi này bước đầu giúp nông dân nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hiện nay…Ví dụ như tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.100ha trồng nhãn, nhiều nhất là vùng cù lao Bạch Viên và cù lao An Hòa, năng suất 32.000 tấn/năm. Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa cho biết, thời điểm dịch bệnh, Hợp tác xã vẫn bán được giá cao vì hiện nay đã chuẩn bị gần như đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng nhận sản xuất an toàn.
Chiếm hơn 40% diện tích xoài toàn tỉnh, với sản lượng khoảng 32.000 tấn, huyện Cao Lãnh được xem là “thủ phủ” xoài của tỉnh Đồng Tháp. Xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện thí điểm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, để bán hàng qua mạng, Hợp tác xã thành lập website xoaicaolanh.com.vn và đưa thông tin về cây xoài cần bán. Với giá mỗi cây được bán khoảng 3 triệu đồng, người mua chỉ cần vào website của Hợp tác xã để lựa chọn cây ưng ý (với các giống xoài cát hòa lộc, xoài cát chu hay xoài tượng) sau đó ký hợp đồng là khách hàng sẽ được sở hữu toàn bộ số trái trên cây. Từ đây, mọi công tác chăm sóc được nhà vườn thực hiện thuê. 1 năm 2 vụ, số trái thu hoạch được dao động từ 70kg/cây đến 150kg/cây. Tất cả trái sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Nhờ sự minh bạch trong sản xuất, chất lượng xoài của mô hình “Cây xoài nhà tôi” được đảm bảo nên thời gian qua đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua, tạo thu nhập ổn định cho bà con xã viên.
Ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc mạnh dạn triển khai những mô hình mới, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm giá trị là hướng đi mới của nhiều nông dân Đồng Tháp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, với sự chủ động của nông dân, sự trợ lực của địa phương, nhiều mô hình thông minh, hiện đại đang dần hình thành như cánh đồng thông minh, công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, hoa cây cảnh, rau màu... mang lại hiệu quả tích cực. Sự thay đổi này giúp nông nghiệp tỉnh nhà ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết bài toán nâng cao giá trị nông sản trên hành trình tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn mới...
Mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cộng với dịch bệnh đang xảy ra, thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam bị xuống giá và ùn ứ khó tiêu thụ. Tuy nhiên, có một số hộ nông dân trồng thanh trong huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn bán được giá cao, nhờ sản xuất theo quy trình GlobalGAP hoặc Viêt GAP và nhất là nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết hàng năm.
Ông Trương Minh Trung, người dân xã An Lục Long, huyện Châu Thành cho biết, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GloBalGap không khó, điều quan trọng là trong quá trình sản xuất phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng theo danh mục cho phép của nhà nước, không lạm dụng thuốc kích thích hoặc thuốc trừ sâu, ở giai đoạn cuối của trái, khi sử dụng thuốc phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Quan trọng nhất là phải ghi lại nhật ký sản xuất, để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Châu Thành đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, logo cho trái thanh long, hoàn thành chứng nhận VietGAp, để xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu trái thanh long theo đường chính ngạch, hướng tới phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, năm 2020, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản của tỉnh này gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt ứng phó nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững đã góp phần cho những thành công ngoài mong đợi của ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu năm qua. Giải pháp cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng từ phục vụ nuôi đến việc thực hiện tốt việc điều tiết nước và quản lý chặt vât tư đầu vào, nhất là chất lượng con giống giúp người nuôi tôm sản xuất được thuận lợi và ổn định hơn. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh này cũng tạo điều kiện cho địa phương thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết hiệu quả từ vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra.
Còn tại tỉnh Bến Tre, trong quí II/ 2021, địa phương này đã hỗ trợ các địa phương xây dựng 5 mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương để làm thí điểm nhân rộng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Bến Tre còn tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên theo chuỗi giá trị bằng hình thức tổ chức các hội thảo để tạo ra mối liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các hợp tác xã. Bến Tre đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong tháng 6/2021, nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho hợp tác xã đầu tư phát triển, nhất là các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao…
Có thể khẳng định, qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông sản… đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương cũng là bài học kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động./.