Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trước hết là tự chủ đại học tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học về tự chủ học thuật, đào tạo khoa học, nghiên cứu khoa học, tự chủ về bộ máy tổ chức, tự chủ về tài chính. Đây là một nội dung rất trọng tâm của luật. Nhưng tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình.
“Tự chủ là tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, nhưng không phải trường nào cũng giống nhau. Có trường điều kiện phát triển tốt thì yên tâm, nhưng có những trường chất lượng chưa đảm bảo thì vai trò quản lý về chất lượng từ chỉ tiêu đến quá trình tổ chức đào tạo và đầu ra, gắn với nhu cầu sử dụng phải hết sức quan tâm. Do vậy, trong dự thảo trách nhiệm giải trình thông qua kiểm định trường và kiểm định chương trình phải được coi trọng.
Bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tập trung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, vai trò thực thi, quản trị là thuộc về nhà trường, như vậy rất tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của nhà trường, giữa tự chủ, trách nhiệm tự giải trình với kiểm soát chất lượng”- Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình theo từng bước, hiện nay Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77, tiếp tục sang một giai đoạn về tự chủ cao hơn có nghĩa là bộ chủ quản. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường theo cơ chế bỏ chủ quản, trong Bộ GD&ĐT hiện nay còn 36 đơn vị và đang đẩy mạnh quá trình thực hiện tự chủ theo hướng không chủ quản, rất mong các bộ, ngành khác thực hiện để làm sao tự chủ phải thực sự thực chất để hạn chế can thiệp hành chính.
Tất nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong quá trình tự chủ phải bao gồm quá trình giám sát chất lượng và có lộ trình, không có nghĩa tự chủ là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính, đặc biệt là những trường ở vùng 3 tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), có đầu tư, có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí, đặc biệt là có những chính sách đặt hàng, đặt bài theo nhu cầu của nhà nước. Những ngành có tính đặc thù nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo.
Hội đồng trường không đi vào những công việc có tính chất chi tiết
Liên quan đến Hội đồng trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải, nếu Hội đồng trường không thực hiện quyền thì không thực hiện được tự chủ đại học. Hiện nay, Hội đồng trường vẫn chưa thực quyền vì trách nhiệm cũng như quyền hạn chưa thực sự. Theo dự thảo luật này thì quyền lực của Hội đồng trường như một số đại biểu nêu phải là cơ quan thực quyền cao nhất, nhưng thực quyền không có nghĩa là cơ quan làm công tác quản trị mà tập trung vào các nhiệm vụ về định hướng quyết định những vấn đề lớn và giám sát trong một chừng mực nào đó, nó cũng giống như Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, khi trình lên về định hướng thì Hội đồng có ý kiến và quyết định định hướng những vấn đề lớn, sau đó tập trung giám sát, công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hội đồng trường không đi vào những công việc có tính chất quản trị chi tiết vì đó là trách nhiệm của Ban giám hiệu. Đồng thời, thành viên của Hội đồng trường không nhất thiết đảm bảo cơ cấu hình thức mà phải thực sự là những người có năng lực, những người có tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường.
“Dự kiến, Hội đồng trường có 70% cơ cấu những người hoạt động trong nhà trường và khoảng 30% những người ở bên ngoài; không có nghĩa là những người không am hiểu gì về trường và phải am hiểu những công việc ở các góc độ khác nhau, doanh nghiệp, những nhà quản lý có kinh nghiệm nhưng phải thực sự có sự đóng góp và có trách nhiệm đối với hoạt động của Hội đồng trường. Ban soạn thảo tiếp thu để làm sao Hội đồng trường thực sự có thực quyền trong quá trình giám sát và chỉ đạo; đồng thời làm sao để các cơ cấu tổ chức trong nhà trường hợp lý./.
Mỹ Anh