Còn nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Vì vậy, DN chưa quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện QCDC, chưa kịp thời xây dựng các quy chế, quy trình tổ chức hội nghị NLĐ; chậm sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành; chưa quan tâm việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hoặc nếu tổ chức còn mang tính hình thức. Một số DN còn giao khoán cho Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện. Trong khi đó, theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, vai trò chủ động thuộc về DN. Thậm chí có những DN trong quá trình triển khai đã cố tình không thực hiện, đưa ra nhiều lý do để trốn tránh như: do đặc thù sản xuất, không thể ngừng thiết bị, máy móc vận hành; NLĐ đông tại các xưởng, không thể tập hợp nên khó tổ chức đối thoại, do sản xuất để kịp các đơn hàng. Thậm chí một số DN né tránh hoặc không mấy mặn mà với việc tổ chức đối thoại với NLĐ đã gây khó khăn cho Công đoàn tham mưu, đề xuất thực hiện QCDC cơ sở.
Về sự tham gia của CĐCS trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ CĐCS làm công tác kiêm nhiệm, tập trung nhiều vào công việc chuyên môn nên vai trò của CĐCS tham gia trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa rõ nét bởi vậy phần lớn nội dung các quy chế được xây dựng sao chép từ văn bản pháp luật. Những nội dung NSDLĐ phải công khai cho NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát còn chung chung, chưa cụ thể, chi tiết, chưa bám sát, phù hợp với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số nơi, cán bộ Công đoàn chưa chủ động và tích cực trong việc phối hợp DN tổ chức thực hiện QCDC, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ. Một số bản TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa thương lượng, ký kết lại. Số TƯLĐTT có điều khoản có lợi về nội dung tiền lương, thưởng, phụ cấp còn ít. Công tác giám sát việc thực hiện TƯLĐTT của CĐCS mặc dù đã được thực hiện nhưng ở một số đơn vị vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa tích cực bám sát cơ sở để hướng dẫn, hỗ trợ cho CĐCS trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Thêm vào đó năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, hậu quả của thiên tai trong năm 2020 cũng đã tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ. Đồng thời, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
Những con số
Theo thống kê , năm 2021, toàn tỉnh có 144/161 doanh nghiệp (có từ 10 lao động trở lên, đã thành lập CĐCS) tổ chức hội nghị NLĐ, đạt tỉ lệ 89%; có 25% số doanh nghiệp (có CĐCS có 10 lao động trở lên) đã xây dựng, ban hành quy chế thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, trong đó có quy định về tổ chức đối thoại (một số doanh nghiệp đưa nội dung đối thoại vào quy chế quản lý của doanh nghiệp) theo quy định mới và duy trì việc tổ chức đối thoại; có 139 bản TƯLĐTT, trong đó, có 79 bản đã chấm điểm, đánh giá, phân loại theo Hướng dẫn 1580/HD-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam (60 bản đã hết hạn nên không chấm điểm, đánh giá, phân loại). Kết quả, có 05 bản đạt loại A (chiếm 6,3%), 43 bản đạt loại B (đạt tỷ lệ 54,5%), 31 bản đạt loại C, D (39,2%).
Cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ
Để việc thực hiện thực hiện QCDC cơ sở tại các DN được thực hiện đúng, đủ theo quy định của pháp luật, mang lại mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, NSDLĐ và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Nhất là quán triệt, triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định về QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc tại mục 2, Chương V, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về quan hệ lao động và điều kiện lao động cho cán bộ công đoàn doanh nghiệp, NSDLĐ, NLĐ. Tăng cường trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc chủ động tham gia, phối hợp với NSDLĐ trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, chú trọng hướng dẫn các cơ sở chưa thực hiện tốt.
Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW về việc thực hiện QCDC ở cơ sở và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ.
Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn các DN. Tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện QCDC cho cán bộ CĐCS. Tăng cường sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên cho CĐCS trong việc thực hiện dân chủ tại cơ sở.
Thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Kịp thời phát hiện, phản ánh, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của CNVCLĐ; những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở và trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.
Quan tâm xây dựng mô hình, điển hình thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiêu biểu.
Đối với CĐCS cần có nhiều giải pháp để giúp DN hiểu được lợi ích của hội nghị NLĐ, ký kết thỏa ước lao động tập thể, cùng phối hợp với Công đoàn đẩy mạnh thực hiện QCDC đúng trình tự, quy định; Cần chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ để ghi nhận những kiến nghị và có biện pháp đề xuất với NSDLĐ. Khi có những kiến nghị mà DN chưa tháo gỡ, CĐCS lên phương án thương lượng, đối thoại, giải quyết thấu đáo, triệt để không để kéo dài dẫn đến tranh chấp lao động. Cùng với việc lắng nghe nguyện vọng của NLĐ để có cách tháo gỡ, khi DN tổ chức hội nghị NLĐ hằng năm cần báo cáo tình hình sản xuất trong năm và những kế hoạch năm tới, tạo điều kiện cho NLĐ được tham gia ý kiến, NLĐ sẽ hiểu trách nhiệm của mình và rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với DN.
Có thể nói, doanh nghiệp muốn phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần phải chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, thúc đẩy các bên trong quan hệ lao động đối thoại có chất lượng, giải quyết hài hòa lợi ích các bên, xây dựng quan hệ lao động ổn định, tiến bộ, bảo đảm đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Trường Lâm