Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tích cực triển khai Đề án “xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”. Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã có 62/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 691 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 324 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm theo chuỗi.

 

Về tổ chức giám sát an toàn thực phẩm các sản phẩm rủi ro cao tiêu thụ trong nước, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan trung ương thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 603 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép là 1.571/5.707 mẫu vi phạm, giảm so với năm 2016 là 28,4%; tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 6/1.026 mẫu (chiếm 0,58%), giảm so với năm 2016 (1,07%).

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tích cực triển khai nhanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản (thịt, rau, củ, quả, thủy sản,…). Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan thuộc Bộ đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 135 cơ sở, phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt 895 triệu đồng.

Đặc biệt, trước tình hình tôm bơm tạp chất tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh tôm, các đơn vị thuộc Bộ (Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Thanh tra Bộ) đã phối hợp tích cực với Bộ Công an tiến hành thanh tra đột xuất về sản xuất, kinh doanh tôm bơm tạp chất tại 9 cơ sở thu gom và chế biến tôm tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu; phát hiện 1 cơ sở tại Kiên Giang có 17kg tôm sú nguyên liệu bơm agar. Đoàn đã lập biên bản tạm giữ, yêu cầu cơ sở giải trình và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ đã tích cực triển khai thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc BVTV,…). Trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở, phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và xử phạt 86 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 2,003 tỷ đồng. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 96,7%, tăng so với năm 2016 (91%). Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 36,8%, giảm so với năm 2016 (57%).

Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi, Chương trình giám sát thực phẩm nông sản, thủy sản chế biến. Tiếp tục triển khai mở rộng Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt cho một số đô thị lớn trong cả nước; mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Cùng với đó, chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất nhằm xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về an toàn thực phẩm; tham gia tích cực hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang. Đồng thời, tiếp tục xử lý rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản./.

 

BT