Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm trong tình hình mới 

Đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp, tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân. Đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm trong tình hình mới

Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương lớn với nhiều nội dung nhằm định hướng chỉ đạo nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện tình hình các loại tội phạm diễn biến phức tạp. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các nội dung của chiến lược, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 788/KH – UBND, ngày 7/3/2017 về thực hiện chiến lược. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã tổ chức hội nghị sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới” gắn với việc triển khai Chương trình hành động số 03-CTHD/TU, ngày 06/12/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia và công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU, ngày 03/01/2017 về thực hiện Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 135-KH/TU, ngày 08/7/2019 về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 44-KH/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Công an Quảng Trị  là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 05-KL/TW và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020, đồng thời xây dựng kế hoạch và  tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức các hội nghị quán triệt đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức; tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm bảo đảm anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

 
 
 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm nên thời gian qua  đã mang lại những kết quả tích cực trên các mặt phòng ngừa, xây dựng phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác triển khai hệ thống pháp luật phòng, chống tội phạm, đặc biệt là công tác tấn công trấn áp các loại tội phạm. Đến nay, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh hoạt động hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các vùng dân tộc ít người, biên giới, ven biển. Thông qua các  mô hình như: “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”, “Quản lý con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”... của hội phụ nữ; “Khu phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của đoàn thanh niên, “Gia đình hội viên nông dân không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không khiếu kiện trái pháp luật” của hội nông dân... Đặc biệt mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, mô hình “Lương - Giáo đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới”, “Vì một mái trường bình yên”, mô hình  “Câu lạc bộ bảo vệ tài sản ngoài trời” đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đảm bảo tốt an ninh trật tự, phục vụ tốt phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện nay, huyện Gio Linh đã xây dựng trên 200 mô hình phòng chống tội phạm trong các khu dân cư, Thị xã Quảng Trị duy trì hoạt động của 04 Ban bảo vệ dân phố với 86 thành viên, 05 tổ an ninh nhân dân với 225 thành viên. Thành phố Đông Hà có 93 mô hình với 10 loại mô hình ở 9 phường, huyện Đakrông đã xây dựng, củng cố 14 loại mô hình phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến 100% địa bàn, khu dân cư. Hàng năm, tổ chức tuyên tuyền cho quần chúng Nhân dân trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là học sinh, sinh viên, và nhóm đối tượng đang chấp hành án phạt tù. Kết quả đã thực hiện 260 chuyên mục An ninh Quảng Trị, 80 số bản tin an ninh- trật tự. Mặt trận tỉnh phối hợp với ngành tư pháp mở gần 120 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận tổ quốc xã và khu dân cư. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 80 lớp tuyên truyền pháp luật, trong đó lồng ghép nội dung về tuyên truyền phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, đặc biệt với nước bạn Lào luôn được quan tâm. Công an tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm với công an các tỉnh bạn có chung đường biên giới với Quảng Trị.

 Tuy nhiên, qua thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Việc phổ biến, quan triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, những quy định của pháp luật về công tác phòng chống tội phạm ở một số cấp uỷ, địa phương còn chưa kịp thời. Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm chưa thực sự sâu rộng, chất lượng chưa cao. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý hiện vẫn còn diễn biến phức tạp.

Dự báo thời gian tới, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong nước, trong đó có Quảng Trị. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn tiếp theo, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng các cấp trong toàn tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Coi trọng giáo dục đạo đức, pháp luật, văn hóa, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ gia đình - nhà trường - xã hội.

Hai là, chú trọng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội. Coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong gia đình và ở cơ sở. Đẩy nhanh quá trình “xã hội hóa” công tác phòng, chống tội phạm, huy động thêm nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm. Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung xây dựng, củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an - Biên phòng - Hải quan và các lực lượng liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm lừa đảo, trộm cắp tài sản, tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Ba là, từng bước nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các lực lượng chuyên trách. Rà soát, đánh giá thực trạng năng lực của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp và các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, xây dựng đề án tổng thể khắc phục hạn chế, yếu kém và nâng cao một bước căn bản năng lực các lực lượng này.

Bốn là, các cơ quan, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội. Kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát hiện, tố giác tội phạm. Đồng thời, cần nghiêm túc phê bình, xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, chính quyền nơi để xảy ra tội phạm phức tạp.

                   Xuân Minh

1502 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 368
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 368
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88608082