Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và công tác phụ nữ trong tình hình mới 

"Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” là chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra cho Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay. Hiện nay, vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, nhất là, vai trò ngày càng lớn đối với việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Có việc làm đồng nghĩa với việc phụ nữ có thêm thu nhập cho gia đình. Chính điều này góp phần duy trì sự ổn định về kinh tế, giúp các gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo và góp phần tăng cường bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Khắp nơi trên thế giới, sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không có địa vị trong xã hội; hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe, đời sống và sinh sản của họ; làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những hành vi có hại và gây tử vong mẹ  do nguyên nhân có thể ngăn chặn được.

Ngày Dân số Thế giới hàng năm là một dịp để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu, là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước. Ngày Dân số Thế giới năm 2023 nhằm tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Bình đẳng giới và công tác phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ, công bằng xã hội. Chính vì vậy, trong suốt tiến trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của phụ nữ, Người khẳng định: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; hay “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ cũng như việc thực hiện bình đẳng giới, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết như Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới… đến việc cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới (2006); Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, hay mới đây vào ngày 03/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030…

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thời gian qua, cùng với cả nước, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Quảng Trị cũng đã quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là ở vùng sâu, vúng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Quảng Trị đã chú trọng nhiều hơn tới việc tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thủ trưởng đơn vị, vai trò của tổ chức đoàn thể đối với những vấn đề liên quan đến nữ công chức, viên chức, người lao động. Tập trung xây dựng các mô hình làm kinh tế, tạo điều kiện cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng tại các đơn vị, địa phương được vay vốn từ nhiều nguồn để có cơ hội phát triển kinh tế... Chính vì vậy, lực lượng lao động nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được quan tâm cũng như khẳng định được vai trò, sự đóng góp quan trọng của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội.

Nhằm nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Quảng Trị cũng đặc biệt chú trọng đến lực lượng nữ, nhất là trong công tác cán bộ. Do đó, tỷ lệ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo cơ hội cho chị em tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đến nay, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quảng Trị có 01/06 đại biểu Quốc hội là nữ, đạt 16,67%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh là 12/50 đồng chí (đạt 24%), cấp huyện 76/291 đồng chí (đạt 26,12%), cấp xã 597/2.821 đồng chí (đạt 21,16%). Nữ lãnh đạo thuộc Sở, ban, ngành là 15/65 (đạt 26,15%); nữ lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố là 02/27 (đạt 7,4%); nữ lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở hoặc tương đương là 68/221 (đạt 30,77%).

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nhằm giảm khoảng cách giới tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động cũng được tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai thực hiện. Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương dự ước đạt dưới 36,5%, tỷ lệ lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp khoảng 47% và tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp là 25%...

Bên cạnh đó, để thực hiện các mục tiêu khác về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị kiện toàn bộ máy. Tỉnh cũng đã bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh và cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và thành lập đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt ở thôn, bản.

Vì vậy, để thực hiện tốt chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2023 và Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác dân số trong tình hình mới” cũng như quan điểm chỉ đạo mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”, cần đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, việc triển khai các hoạt phải thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, lồng ghép với nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể, trong đó cần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số và phát triển; Chiến lược Dân số Việt Nam; các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số và phát triển. Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động của các đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng;

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của phụ và trẻ em gái và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ, trẻ em gái, tuyên truyền về tác hại của phá thai, tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thiếu niên.

Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Truyền thông tạo dư  luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới đề trẻ em giái được an toàn và phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ.

Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, huyện; hỗ trợ các chương trình dự án về thực hiện công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Việc triển khai đồng bộ, đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới, giúp cho mọi người dân trong cộng đồng nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hải Đăng

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 661
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 661
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77382806