Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và công tác phụ nữ theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng 

Bình đẳng giới và công tác phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ, công bằng xã hội. Chính vì vậy, trong suốt tiến trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của phụ nữ, Người khẳng định: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; hay “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ cũng như việc thực hiện bình đẳng giới, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị  quyết như Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới… đến việc cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới (2006); Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, hay mới đây vào ngày 03/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030…

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết nêu trên, thời gian qua vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ của nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Vì vậy, để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. Từ những định hướng cơ bản của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho thấy, để đẩy mạnh hơn nữa vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ, các cấp, các ngành, đoàn thể cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Một là, việc phát huy vai trò của phụ nữ, trong đó đề cập vấn đề xây dựng người phụ nữ hiện đại, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Để xây dựng người phụ nữ hiện đại trước hết cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ của các tầng lớp phụ nữ. Chú trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là điều kiện đem lại giá trị đích thực cho người phụ nữ, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Và một trong những khâu đột phá chiến lược được nêu ra chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hai là, định hướng thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, là sự kế thừa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các kỳ Đại hội trước, bao gồm thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Nghị quyết số 28/NQ-CP “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030” đã xác định mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, Chiến lược đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, chỉ tiêu đề ra là tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030…

Ba là, bên cạnh “Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục được chú trọng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em… Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ Trung ương tới địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng”. Chính vì vậy, hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ là cơ sở quan trọng để hệ thống pháp luật tiếp tục hoàn thiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tế tại cơ sở nhằm làm tốt công tác phụ nữ, phấn đấu để có bình đẳng giới thực sự.

Thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới, theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng các cấp đề ra thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đưa đất nước vững bước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa./. Tân Linh

3818 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1281
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1281
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87114693