Hình ảnh tại hội nghị (Ảnh: M.P)
Ngày 28/9/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN, một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”.
Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại khu vực nông thôn hiện nay; thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới và thực tế triển khai của các đơn vị; xác định những những tồn tại cũng như những khó khăn, vướng mắc, rào cản cụ thể; đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần đạt được các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các mục tiêu của Tài chính Toàn diện.
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội nghị, hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được xác lập, ngày càng hoàn thiện; hệ thống văn bản từ Luật, Nghị định đến Thông tư được ban hành, tạo sự đồng bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phát triển TTKDTM; tăng cường công tác quản lý thanh toán bằng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường; số lượng các máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tiếp tục tăng lên.
Các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh, đa dạng, nhất là các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Đảng và Chính phủ. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo triển khai.
Cùng với sự nỗ lực của các NHTM cũng như các ngân hàng nước ngoài, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến phương thức phục vụ. Đặc biệt, có sự đột phá trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quốc hội và tiến trình hội nhập quốc tế.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: “NHNN đã thí điểm một số mô hình thanh toán dựa trên sự hợp tác giữa các NHTM và một số tổ chức thông qua sử dụng phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn, phù hợp với thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo".
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển thanh toán hiện đại, dễ sử dụng với chi phí thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn. NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất các chính sách phát triển, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời, NHNN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng chiến lược tài chính quốc gia toàn diện tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Trong đó, lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn đóng vai trò trọng yếu.
Tại hội nghị, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam đã chỉ ra một số khó khăn thách thức trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là đến thời điểm hiện nay, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.
“40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Những số liệu này cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là một mục tiêu nhiều thách thức”, ông Phạm Tiến Nam nói.
Lấy ví dụ từ lĩnh vực thuế, việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn cuối mới đi nộp...
Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay, mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân.
Để khắc phục những tồn tại trên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Bộ, ngành có cơ chế liên quan đến phí để hạn chế các giao dịch tiền mặt (như phí rút tiền mặt tại ATM, quầy giao dịch ...). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Bộ, ngành có chính sách định hướng khuyến khích người dân đặc biệt khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại như điện thoại di động, internet, dịch vụ 3G, 4G,..trên cơ sở đó tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng hiện đại như mobile banking, internet banking.
Đại diện NHNN bà Lê Thị Thúy Sen – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, vai trò truyền thông của thanh toán không dùng tiền mặt là rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 Đề án thanh toán không dùng tiền mặt và các nội dung tuyên truyền của NHNN cũng được xây dựng bám sát các đề án này. NHNN sẽ tập trung hướng tới các địa bàn là vùng sâu, vùng xa, giới trẻ… đều là những đối tượng ít hiểu biết về tài chính. Chúng tôi cũng lựa chọn hình thức đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, giúp bà con dễ tiếp cận nhất.
“Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu dịch vụ ngân hàng tiết kiệm, vay vốn, thanh toán online, an ninh, an toàn, bảo mật…gần gũi nhất để truyền tải các tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt tới người dân”, bà Sen chia sẻ./.
M.P