Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng 

(ĐCSVN) - Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng.
 
Đó là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 24/8, tại Hà Nội.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Theo, ông Nguyễn Kim Anh, bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại dễ sử dụng như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch ATM, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc và triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.

Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng nhận định, giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.

Bàn về các giải pháp thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt trong dịp lễ tết qua ATM, tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.
 
Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.

“Ngoài ra, cần tăng cường sự chỉ đạo của các Bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân trong việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh…/.

Minh Phương

747 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 829
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 829
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117540