Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năng lực xay xát và kho chứa lúa gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc loại vừa và nhỏ, chế biến lúa gạo chưa bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo các ngành chức năng, công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương này. Sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô, hạt gạo làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp.

Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư vào dự án chế biến lúa gạo nhằm giúp cải thiện
năng lực sản xuất, tăng khả năng chế biến sản phẩm
lúa gạo có giá trị gia tăng cao.(Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hậu Giang)

Việc thu mua và chế biến lúa gạo của tỉnh Hậu Giang hiện được các nhà máy ở đây chủ yếu thực hiện công đoạn bóc tách vỏ trấu, chà xát, làm trắng gạo và cung cấp cho thị trường nội địa. Một số nhà máy chỉ thực hiện công đoạn đấu trộn gạo xay xát với tấm do các cơ sở lau bóng lúa gạo thực hiện để cung cấp cho các công ty xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, trong hơn 200 cơ sở xay xát ở Hậu Giang, phần lớn các cơ sở này chỉ đáp ứng yêu cầu cung ứng gạo. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa tham gia liên kết, hợp tác với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, dẫn đến nghịch lý là nông dân trồng giống lúa chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường gạo cấp cao nhưng chất lượng gạo xuất khẩu lại thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua lúa gạo của tỉnh Hậu Giang đã trực tiếp thu mua lúa tại hợp tác xã, các hộ dân. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn cũng đang tập trung vào khâu thay đổi máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với việc đầu tư đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất từ khâu sấy lúa, xay xát, lau bóng và đóng gói hiện đại theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Ngoài ra còn chủ động nắm bắt các kênh tiêu thụ và nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng kêu gọi đầu tư vào dự án chế biến lúa gạo nhằm giúp cải thiện năng lực sản xuất, tăng khả năng chế biến sản phẩm lúa gạo có giá trị gia tăng cao, hạn chế sản xuất và xuất khẩu thô, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế nơi đây. Cụ thể như đối với chế biến lúa gạo, tỉnh khuyến khích và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thiết bị, công nghệ nâng cao tỷ lệ thu hồi gạo, hình thành các trung tâm chế biến lớn có công nghệ liên hoàn khép kín từ khâu sấy khô, bảo quản, chế biến đồng bộ để sản xuất ra gạo có chất lượng xuất khẩu. Đặc biệt, hằng năm, Sở Công thương Hậu Giang còn triển khai chương trình khuyến công Quốc gia và địa phương nhằm thay đổi máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo.

Được biết, với 80% dân số làm nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Hậu Giang luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển “5 cây” gồm  lúa, mía, cây ăn trái, rau màu và dứa theo hướng tăng nhanh về số lượng, bảo đảm chất lượng; trong đó, lúa là cây trồng chính với năng suất bình quân khoảng 5,4 tấn/ha/vụ. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã từng bước nâng cao được chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất lúa hàng hóa bằng cách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác mới như “3 giảm 3 tăng”, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, cũng như khuyến khích nhà nông gieo sạ các loại giống có phẩm chất gạo tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hậu Giang cũng đã triển khai chương trình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn tại các địa phương trong tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. So với tập quán canh tác bình thường thì làm theo mô hình trên có thể giảm giá thành từ 200-300 đồng/kg lúa nguyên liệu, năng suất chênh lệch từ 0,4-0,6 tấn/ha. Bình quân mỗi vụ, người trồng lúa có thể gia tăng lợi nhuận gần 2 triệu đồng/ha./.

NS