Đẩy mạnh phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại 

(ĐCSVN) - “Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn” - ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin và nhận định, hành vi kinh doanh này đã làm ảnh hưởng lớn đến các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

 

 Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Ngày  5/01, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, 2022 là năm đặc biệt đối với toàn lực lượng. Đây là năm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng (3/7/1957-3/7/2022), do vậy toàn lực lượng đã tổ chức nhiều chuỗi sự kiện hưởng ứng và để lại nhiều dấu ấn như: lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi viết, lần đầu tiên tổ chức giải bóng đá nam toàn lực lượng, phát động trồng 65.000 cây xanh...

Theo báo cáo, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thanh, kiểm tra 70.902 vụ, phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.

Năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường có 2 dấu ấn đậm nét nhất.

Một là, chất lượng các cuộc thanh kiểm tra ngày càng tốt, đặc biệt là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất. Cả năm 2022, toàn lực lượng đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm.

Hai là, trong năm 2022, mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các mặt hàng.Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, năm 2022, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc...

Dù có nhiều dấu ấn ở 2022, song ông Linh thẳng thắn nhìn nhận, trong năm, công tác phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn; Một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao, chưa phản ánh hết tình hình thị trường.

Chia sẻ về tình hình chống buôn lậu trên biên giới, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng - cho biết, đối tượng ở trên biên giới thường có quan hệ cấu kết với đối tượng ở trong nội địa. Cụ thể, đối với tuyến biên giới Trung Quốc – Việt Nam, do nước bạn xây dựng tuyến hàng rào rất kiên cố, hoạt động buôn lậu trên biên giới ở tuyến này về cơ bản chấm dứt, nhưng lại nảy sinh ra một số gian lận thương mại ở cửa khẩu phía Bắc. Còn tuyến biên giới Việt- Lào, hàng hóa thông thương qua Việt - Lào không nhiều. Trong khi đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, mùa nước đi bằng xuồng, mùa không có nước đi bằng xe máy, ô tô, rất thuận lợi cho đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới với mức độ nhỏ lẻ. Đây cũng là thách thức của các lực lượng chống buôn lậu.

Trên tuyến biển, với hệ thống cảng biển nhiều, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua container rất lớn, đã nảy sinh ra các hoạt động của các đối tượng thành lập công ty ma, dùng công ty giả, giấy tờ giả trong nội địa, sau đó lợi dụng vấn đề quản lý rủi ro về hải quan, luồng xanh, luồng đỏ… để xuất nhập khẩu các lô hàng, trong đó có những lô hàng cấm nhập, kê khai sai để trốn thuế. Nhận diện tình hình, thời gian qua, bộ đội biên phòng đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Trong kết quả tích cực đó, có sự phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian qua, ông Lê Thanh Hải – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – cho biết, một trong những ấn tượng của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2022 chính là Quản lý thị trường ở một số địa phương đã tích cực hiệu quả trong việc phát hiện xử lý các kho hàng bán hàng lậu, hàng nhái.

Tuy nhiên, việc chống buôn lậu hàng giả muốn tốt được thì phải thông từ ngoài vào trong, cần sự phối hợp giữa các lực lượng. “Trong năm 2022, sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương nhất là lực lượng Quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lực lượng để tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị; đạo đức công vụ, trình độ nghiệp vụ của bộ phận công chức còn hạn chế chưa theo dõi, sát sao được địa bàn quản lý. Cùng với đó còn có nguyên nhân khách quan, do hạ tầng quản lý chính sách pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trở, ngại cho quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm...

Với những kinh nghiệm từ năm 2022, bước sang năm mới 2023, dự báo thị trường hàng hóa sẽ còn diễn biến phức tạp, vì vậy lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thay đổi cách thức, phương thức làm việc; thực sự là đơn vị nắm đúng thực tiễn thị trường, tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ, hướng đến là lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7.

“Cùng với đó, trong năm 2023, toàn lực lượng sẽ siết chặt kỷ luật kỷ cương, tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với công tác cán bộ, Tổng Cục trưởng cho biết, sẽ tiếp tục giới thiệu bổ nhiệm luân chuyển cán bộ không phải người của địa phương, nhất là những địa bàn nóng, phức tạp “ - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định”./.

 
Tin, ảnh: K.D
457 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 664
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 664
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015898