Để cụ thể hoá Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 01/8/2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Chương trình hành động số 64-CTHĐ/TU, ngày 13/05/2013 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, của Ban Chấp hành Trung ương “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND, ngày 25/7/2014 của HĐND tỉnh “Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020”; Quyết định số 658/QĐ-UBND, ngày 11/4/2008 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2015”...Việc ban hành văn bản cụ thể hóa Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo hành lang pháp lý để các đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện nhằm phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.
Để phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch thu hút, đào tạo nguồn nhân lực khoa học đáp ứng nhu cầu về lượng và chất, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao nghiên cứu về CNSH; tổ chức tập huấn về chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH cho các cơ sở sản xuất và địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo thuộc lĩnh CNSH; bổ sung máy móc, thiết bị tiên tiến và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm về CNSH chuẩn hóa theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được công nhận (VILAS) nhằm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất, đời sống.
Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học là một nội dung quan trọng được tỉnh quan tâm. Trong điều kiện nguồn thu của tỉnh còn ít, để có nguồn kinh phí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn, trong đó, nguồn kinh phí Trung ương thông qua các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ lớn. Nhờ vậy, kinh phí đầu tư cho KH&CN tăng thêm hàng năm. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã từng bước đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, lĩnh vực công nghệ sinh học nói riêng; giúp cho các đơn vị vừa tháo gỡ vướng mắc về tài chính, vừa phát huy năng lực nội sinh, tạo ra một số sản phẩm khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu xã hội và thị trường; đồng thời, giúp cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức KH&CN công lập để có giải pháp đầu tư, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, hiệu quả.
Thông qua Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi ” tỉnh đã đào tạo 58 lượt kỹ sư và kỹ thuật viên thuộc các lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật; phân lập và nhân giống các loại nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất chế phẩm sinh học... Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập trung đào tạo các cán bộ chuyên sâu về CNSH các lĩnh vực gồm: Công nghệ nuôi cấy mô (In Vitro), công nghệ vi sinh vật, công nghệ sản xuất các loại nấm (đặc biệt là Đông trùng hạ thảo), công nghệ lên men sinh khối, công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản, công nghệ chiết suất chế biến và công nghệ PCR (Polymerase Chain Reaction)…
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực công nghệ sinh học cũng là một trong những nhiệm vụ mà tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ với những hình thức và cấp độ khác nhau; trong đó ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo các cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học (công nghệ sinh học thực vật; công nghệ vi sinh để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường sinh thái; công nghệ chẩn đoán nhanh các loại bệnh hại cây trồng, vật nuôi; công nghệ nhân giống cây và trình diễn các hệ thống canh tác ứng dụng công nghệ cao về sản xuất rau, hoa kiểng, dược liệu...) và công nghệ sau thu hoạch...
Việc ứng dụng CNSH đã đem lại những tác động tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống của tỉnh.
Trong nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu ứng dụng CNSH để phát triển cây, con chủ lực, có tiềm năng, triển vọng phát triển theo hướng bền vững; tập trung khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phát triển các giống cây trồng có chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái trong tỉnh cùng với một số loại cây trồng mới, cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở địa phương, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng khô hạn của tỉnh. Triển khai các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển các vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị tại vùng cát tỉnh Quảng Trị; bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có giá trị kinh tế cao như: Lợn Vân Pa; gà Ri; vịt cỏ...
Đối với lâm nghiệp, đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống tiến bộ được sản xuất bằng công nghệ sinh học như bạch đàn, bời lời, keo lai các dòng BV33, BV73, BV75; xây dựng mô hình vườn vật liệu đầu dòng cây lâm nghiệp tại huyện Cam Lộ, Hải Lăng... góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với việc ứng dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi tôm. Nhờ vậy, đã tăng được mật độ nuôi, tăng năng suất, hạn chế được dịch bệnh.
Ngoài ra, tỉnh đã ứng dụng công nghệ tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây hoa và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, sản xuất nhiều loại chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; xây dựng nhiều mô hình và chuyển giao nhiều quy trình, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, theo hướng hữu cơ, phát triển nông thôn bền vững.
Việc áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến tại cơ sở sản xuất và xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã đạt kết quả tích cực như ứng dụng công nghệ kỵ khí, biogas và chế phẩm E.M để xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất ở các làng nghề, nhà máy; ứng dụng công nghệ vi sinh vật bám để xử lý nước thải các bệnh viện, nước thải chế biến gỗ, nước thải chế biến cà phê; triển khai công nghệ khí sinh học bằng các mô hình hầm khí Biogas cho hiệu quả tốt về xử lý môi trường đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo là khí đốt từ Biogas phục vụ vùng nông thôn và ven đô thị.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, đã tiến hành chọn lọc và triển khai áp dụng các tiến bộ KH&CN vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; trồng và chế biến dược liệu; tiếp tục sử dụng hiệu quả 17 loại vaccine trong đó có 9 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em như: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, thuỷ đậu, rubella, quai bị, viêm gan siêu vi…; đã tiếp cận chuyển đổi một số loại vaccine thế hệ mới như: viêm não nhật bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại; Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virut: viêm gan siêu vi B, HIV. Ứng dụng các bộ KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác.
Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng CNSH chưa có bước đột phá mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống...
Để tạo bước đột phá trong phát triển và ứng dụng CNSH, tỉnh cần tiếp tục đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH; quan tâm hỗ trợ và có chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH có hiệu quả; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chuyên môn cao, khả năng nghiên cứu, nắm bắt và làm chủ CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, cán bộ nghiên cứu khoa học để tranh thủ hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CNSH, đầu tư cơ sở vật chất, thông tin khoa học để phát triển CNSH; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và Nhà nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương.
T.Trang