Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm lưu niệm – yếu tố quan trọng trong quảng bá và phát triển du lịch 

Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch hoài niệm. Chính vì vậy, thời gian qua, lĩnh vực du lịch của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đã tạo cơ hội để người dân phát triển các ngành nghề truyền thống và sáng tạo các sản phẩm lưu niệm, quà tặng tăng thêm thu nhập. Các loại sản phẩm này là một trong những yếu tố quan trọng, tạo dấu ấn cho điểm đến, tăng sức hút đối với du khách và tạo sự lan tỏa, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.

Theo thống kê, trong năm 2022, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn đã khôi phục được đà tăng trưởng, có nhiều bước phát triển khởi sắc với tổng lượng khách du lịch đến địa phương này ước đạt 1.550.000 lượt (tăng 301,5% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 198,7% so với kế hoạch đầu năm). Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỉ đồng (tăng 391,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 252,1% so với kế hoạch đầu năm), trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 590 tỉ đồng.

Trong quý I/2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước đạt 457.630 lượt, trong đó khách quốc tế 9.300 lượt và khách nội địa ước đạt 448.330 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 372,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 125,7 tỉ đồng.

Chương trình hành động số 83-Ctr/TU, ngày 25/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đều khẳng định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút được du khách, ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương là sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch. Sản phẩm lưu niệm chính là những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm bản sắc vùng miền, tôn vinh các giá trị văn hóa, thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương, bản sắc văn hóa của con người nơi tạo ra sản phẩm. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa sẽ tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương. Du khách khi mua và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, tức là sản phẩm đã tạo ra được giá trị rất lớn về mặt vật chất, nhưng đồng thời lại có giá trị lan tỏa, gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm, một đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Trị. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã từng bước chú trọng nghiên cứu phát triển, sáng tạo quà lưu niệm với mong muốn phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời, khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Quảng Trị. Nhiều sản phẩm lưu niệm của các làng nghề đã bắt đầu phát triển gắn với các làng nghề truyền thống như đan lát Lan Đình, làng nón Trà Lộc, rượu Kim Long, dệt thổ cẩm…

Bên cạnh các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa vùng đất “lửa”, các sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng của các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Các sản phẩm OCOP của Quảng Trị hiện nay được nhiều người biết đến như Cà phê Khe Sanh, Tiêu Cùa, Cao chè Vằng,  Cao An xoa, trà Cà Gai leo, Bánh ít lá gai... Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng có nhiều món ăn đặc sắc. Nổi tiếng có bánh lọc Mỹ Chánh, cháo cá Hải Lăng, bún hến Mai Xá, bánh ướt Phương Lang, nem chợ Sãi. Trong đó, cháo cá Hải Lăng và bún hến Mai Xá là 2 món ăn của Quảng Trị lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2020 - 2021, đồng thời nem chợ Sãi và cao chè vằng La Vang là những sản phẩm được lọt vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam theo Bộ tiêu chí Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì, đóng gói mẫu mã đẹp mắt, chất lượng, giá cả hợp lý, được du khách ưa chuộng và tìm mua.

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, ở Quảng Trị hiện nay việc phát triển các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch vẫn còn “khoảng trống” so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, chưa tạo thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch vẫn còn ít, trùng lặp, đơn điệu,thiếu điểm nhấn và chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người Quảng Trị. Một số sản phẩm được coi là quà lưu niệm được bày bán nhưng lại thiếu thông tin…Nguyên nhân khiến một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch; chưa coi trọng chất lượng và mẫu mã, chưa gắn với đặc trưng của địa phương. Vì thế, khi đưa các sản phẩm này ra thị trường có thể bị hòa lẫn với sản phẩm của địa phương khác - sản phẩm lưu niệm chưa làm được một nhiệm vụ hết sức quan trọng là trở thành “sứ giả” trong quảng bá du lịch của địa phương.

Vì vậy, trong thời gian tới, để đưa những sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh đến với du khách nhiều hơn đồng thời tăng mức chi mua sắm của khách du lịch nhằm góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 83 – Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì việc phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương, vì vậy, trước tiên cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành về khuyến khích sản xuất sản phẩm lưu niệm ưu tiên dựa vào các làng nghề, sản vật, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tập trung hướng dẫn các khu, điểm du lịch khi trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng ưu tiên các sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng của tỉnh cho du khách dễ tìm kiếm và mua sắm.

Đẩy mạnh truyền thông có trọng tâm, trọng điểm về giá trị, nét đặc sắc của các sản phẩm của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm giới thiệu tập trung sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh tại các khu, điểm du lịch và hướng dẫn các cơ sở dịch vụ du lịch cam kết liên kết với các cơ sở sản xuất để đưa sản phẩm đặc trưng vào phục vụ, giới thiệu các món ăn đặc trưng, tăng tính hấp dẫn cho ẩm thực Quảng Trị. Tăng cường các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với sản phẩm lưu niệm du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi về thiết kế sản phẩm du lịch, bao bì quà tặng cũng sẽ là những gợi ý hay, tạo hiệu ứng tích cực để có được những sản phẩm lưu niệm, quà tặng hấp dẫn, góp phần hoàn thiện, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch Quảng Trị.

Tin tưởng rằng với tiềm năng và lợi thế của mình, Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Hải Đăng

365 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 373
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 373
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88618962