Đẩy mạnh mô hình “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập” trong xây dựng xã hội học tập ở nước ta hiện nay 

Dân tộc ta có truyền thống siêng năng, hiếu học, muốn thành người tốt thì trước tiên phải học - học để làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao hai chữ hiếu học. Người nói rằng ở Người chỉ có một ham muốn duy nhất là “ham học, ham làm, ham tiến bộ. Bởi vậy, chúng ta cần “Học không bao giờ cùng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi học tập là chìa khóa mở đường để mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, bản làng và đất nước bước vào thế giới hiện đại; xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho xã hội phát triển bền vững.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đưa văn hóa học tập vào cuộc sống của Nhân dân, đến với mỗi gia đình, mỗi dòng họ để phát triển vững chắc gia đình, dòng họ thì văn hóa học tập gia đình, văn hóa học tập dòng họ được xác định là yếu tố cơ bản, vừa là mục tiêu, giá trị hướng tới, vừa là động lực bền vững thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội, để tạo nên những cộng đồng dân cư học tập, hướng đến phát triển xã hội học tập. Trên nền tảng đó các mẫu hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” truyền thống được củng cố và phát huy, những giá trị văn hóa học tập thời đại sẽ tạo ra bản sắc văn hóa học tập, xã hội học tập của dân tộc Việt Nam, hình thành một quốc gia học tập, văn hóa và văn minh trong thời đại kinh tế tri thức dưới tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, về xây dựng các mô hình học tập góp phần xây dựng xã hội học tập ở nước ta theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg, Quyết định số 1373-QĐ-TTg về phê duyệt các đề án xây dựng xã hội học tập với mục tiêu nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; xây dựng các mô hình học tập với những tiêu chí đánh giá, công nhận theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong cả nước.

Đối với tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Công văn 1675-CV/TU về thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Ngoài ra, trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các Kết luận về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều coi công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Quá trình triển khai tổ chức thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, từ tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành một số văn bản[1].

Đến nay, sau nhiều năm triển khai, việc xây dựng mô hình gia đình, dòng họ với nền tảng văn hóa học tập của gia đình, của dòng họ hướng đến gia đình hạnh phúc bền vững, xác lập hệ giá trị theo hướng chân - thiện - mỹ với những nội dung, giá trị chủ yếu là tinh thần hiếu học, luôn cầu tiến và sáng tạo trong tiếp thu những tri thức khoa học; thủy chung, hòa thuận, hiếu thảo, trung thực, giản dị, khiêm tốn, trách nhiệm trong lối sống và nếp sống để hoàn thiện nhân cách của mỗi thành viên trong từng gia đình, từng dòng họ nhằm củng cố các mối quan hệ trong gia đình, giữa các gia đình với nhau và giữa gia đình với dòng họ, với xã hội đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần làm thăng hoa văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội Khuyến học Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, đến nay, các cấp hội trong cả nước đã và đang triển khai mạnh mẽ việc đăng ký, bình xét danh hiệu: “Công dân học tập” với ba tiêu chí khung dựa trên năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội của từng người dân/công dân trong xã, công dân học tập là người lao động, công dân học tập là cán bộ công nhân viên, doanh nhân, công dân học tập là học sinh, sinh viên, học viên; đăng ký, bình xét danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” với các tiêu chí khung như kết quả học tập của gia đình, điều kiện học tập của gia đình theo các tiêu chí đánh giá, trong đó có nhiều địa phương đã sáng tạo, tham mưu lồng ghép việc bình xét các mô hình học tập với việc đăng ký, đánh giá “Gia đình văn hóa”, “Thôn/tổ văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” …

Hiện nay, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam. Do đó, muốn xây dựng một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố “Gia đình học tập”, trong đó yếu tố hạt nhân trong gia đình học tập là mô hình “Công dân học tập”. Không có “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” thì không thể có “Cộng đồng học tập” , xã hội học tập mà ở đó phải bắt đầu từ công dân, rồi đến gia đình và dòng họ. Mô hình “Công dân học tập” trong mỗi gia đình sẽ tạo nên chất lượng của các mô hình học tập từ cấp hành chính cơ sở trở lên.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và thực hiện thành công các mô hình công dân học tập, gia đình học tập trong thời gian qua là một việc làm thiết thực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc triển khai đồng bộ các mô hình học tập đã góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, ham học hỏi, học tập suốt đời trong nhân dân lao động trong cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển thành công của việc xây dựng xã hội học tập của từng địa phương, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trí Ánh (nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

[1] Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Kế hoạch số 179/KH-UBND, ngày 12/11/2021 về việc triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 4347/QĐ-UBND, ngày 24/12/2021 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Quảng Trị;  Kế hoạch số 135/KH-UBND, ngày 12/7/2022 về thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”; Kế hoạch số 154/KH-UBND, ngày 02/8/2023 về thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 29/01/2024 về triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Công văn số 1549/UBND-VX, ngày 01/4/2024 về việc thực hiện Quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện,tỉnh; Công văn số 1551/UBND-VX, ngày 01/4/2024 về việc thực hiện Quy định đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện.

 

48 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 639
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 639
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87017327