Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả của ngành nông nghiệp về an toàn thực phẩm tính đến quý I/2018?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tiếp nối năm cao điểm hành động về an toàn thực phẩm nông sản, thực phẩm của Bộ NN&PTNT phát động, đến quý I/2018 chúng ta tiếp tục phát huy thành quả của 2 năm cao điểm vừa qua. Cụ thể, sản phẩm nông sản an toàn được phát triển nhiều hơn với nhiều chuỗi an toàn thực phẩm được các địa phương xây dựng, đặc biệt là việc vào cuộc của các doanh nghiệp lớn. Chúng ta đã hình thành những cơ sở chế biến của các tập đoàn lớn ở các chuỗi ngành hàng như: rau quả, thịt heo, một số nông sản khác. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Thứ hai là chúng ta có nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng hơn. Người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng nông sản của Việt Nam. Chúng ta đã tổ chức nhiều sự kết nối giữa sản phẩm an toàn với người tiêu dùng qua hệ thống các cửa hàng, các siêu thị cũng như tổ chức các hội chợ để giới thiệu các nông sản an toàn đến người tiêu dùng.
Thứ ba, chúng ta tập trung kiểm soát tốt vật tư đầu vào như: phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, các vật tư khác. Đáng chú ý là chuyển từ thanh tra có kế hoạch sang thanh tra đột xuất đã góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng các vật tư đầu vào kém chất lượng, các mặt hàng vật tư giả. Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tiến đến một bước nâng cao chất lượng của nông sản.
Hiện nay, các địa phương và doanh nghiệp đang triển khai rất mạnh các vùng sản xuất nông sản an toàn chất lượng cao cũng như đầu tư vào chế biến nhằm giúp chúng ta nâng tầm nông sản của Việt Nam, kể cả về giá trị.
PV: Nghị định 15/2018/NĐ-CP với quy định chuyển mạnh mẽ theo hướng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xin Thứ trưởng cho biết rõ thêm về vấn đề này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Đây là một bước chuyển rất là lớn về tư duy và phương pháp tiếp cận đối với an toàn thực phẩm, kể cả với người sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Để làm tốt việc này, trước hết chúng ta phải chuyển nhận thức của người sản xuất thay vì trước đây tất cả đều đưa vào danh mục nhà nước kiểm tra công bố và trách nhiệm về an toàn thực phẩm gánh nặng lên các cơ quan nhà nước. Người sản xuất nhiều khi thấy trách nhiệm của bản thân không cao. Nhưng đối với Nghị định 15/2018/NĐ-CP, chúng ta tiếp cận theo hướng hậu kiểm và các cơ sở sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, tự công bố chất lượng, mẫu mã hàng hóa, tất cả các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trên mẫu mã hàng hóa của mình. Cơ quan nhà nước ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn và tiến hành thanh tra tiêu chí mà cơ sở sản xuất đã công bố xem có đúng hay không? Với việc hậu kiểm sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thứ hai với người tiêu dùng, thông qua tính minh bạch về các nhãn mác hàng hóa có thể kiểm tra trở lại, giám sát trở lại đối với cơ sở sản xuất. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm căn cứ hậu kiểm và làm căn cứ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh công bố theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm, bởi hậu kiểm thể hiện tính tự giác của người sản xuất. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước trong hậu kiểm rất quan trọng,
PV: Về vấn đề đầu mối để tiếp nhận công bố sản phẩm, Bộ NN&PTNT có hướng dẫn như thế nào để các địa phương triển khai, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Theo các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thì Bộ NN&PTNT đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn để bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với Nghị định 15. Đồng thời, rà soát, chỉnh sửa bổ sung những quy định của những Nghị định, Thông tư nhằm phù hợp với Nghị định 15 và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới.
Công tác này đang rất khẩn trương để rà soát hoàn thiện về khung khổ pháp lý. Bởi nếu không hoàn thành nhanh các cơ sở pháp lý này thì không có căn cứ và không tạo điều kiện cho quản lý nhà nước để địa phương đăng ký triển khai cũng như doanh nghiệp sẽ lúng túng. Vì vậy việc phân cấp và giao trách nhiệm cho cơ quan chức năng của quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm nông sản, tới đây phải tăng cường trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang có xu hướng giảm. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để chúng ta đảm bảo được mục tiêu về an toàn thực phẩm?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là giảm tần suất kiểm tra và thanh tra đối với các cơ sở, doanh nghiệp và làm rõ các đầu mối để không chồng chéo khi xuống làm việc với cơ sở, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Với chủ trương này, chúng ta phải quán triệt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều giải pháp đồng bộ. Một mặt, chúng ta tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, có tính hệ thống. Điều quan trọng là chúng ta tăng cường vai trò giám sát của quần chúng, cơ quan truyền thông, đồng thời phối hợp với các lực lượng để phát hiện nếu có dấu hiệu vi phạm. Mặc dù quy định kiểm tra 1 lần/1 năm nhưng nếu có dấu hiệu vi phạm, chúng ta có quyền thanh tra đột xuất để xử lý vi phạm.
Cùng với đó, thông qua đường dây nóng và phản ánh của quần chúng, cả hệ thống chính trị và báo chí thì cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thông tin để kiểm tra và xử lý các vi phạm.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!