Chủ tịch Hồ Chí Minh- một vị lãnh tụ thiên tài, một chiến sĩ cộng sản, một danh nhân văn hóa thế giới. Người đã ra đi nhưng đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về tình yêu đất nước, tình quốc tế trong sáng, về đạo đức cách mạng, về lối sống, phong cách, tác phong làm việc, sinh hoạt.
Tại Lễ truy điệu Người, trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, đã khẳng định “suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”; và những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, tạo được phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống.
Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với mục đích, yêu cầu được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 03-CT/TW. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Chỉ thị 05-CT/TW nêu học tập và làm theo những nội dung cốt lỏi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh đặc biệt là Phong cách, vì Phong cách là hội tụ, nơi kết tinh giá trị tốt đẹp nhất cả tư tưởng, đạo đức của Người.
Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực.
Từ Đại hội V (1981) trở về trước, Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. Hai chữ “tác phong” có hàm nghĩa hơi hẹp, mới chỉ nói lên được một mặt là “phong cách làm việc, phong cách công tác”, tuy ai cũng hiểu rằng ngoài công tác, phong cách của mỗi người còn được biểu hiện ra ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nữa. Từ Đại hội VI (1986), hai chữ “tác phong” được thay bằng khái niệm “phong cách” trong cụm từ “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để có thể nói về những đặc trưng đa dạng, phong phú khác trong hoạt động của Người.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.
Nội dung học tập trong chuyên đề năm 2018: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên” là cần làm rõ sự cần thiết học tập làm theo phong cách Hồ Chí Minh, vai trò của phong cách Hồ Chí Minh trong trong công tác xây dựng Đảng, bao gồm cả phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội hiện nay. Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức và tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của người cán bộ cách mạng, thực sự xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho. Việc học tập để nâng cao nhận thức cho đảng viên phải được tiến hành thường xuyên, là trách nhiệm của mọi tổ chức đảng, được đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của mỗi tổ chức đảng, mỗi tổ chức đoàn thể và cơ quan, đơn vị. Đó là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, một nguy cơ lớn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.
Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh không phải là sự bắt chước, thực hành một cách máy móc, mà cần vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể, phù hợp với những đặc điểm của mỗi người. Mục tiêu cao nhất của học tập và làm theo phong cách của Bác là hiệu quả công tác, thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ của mình; tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành. Do vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là những người đứng đầu cũng là cán bộ đảng viên, phải gương mẫu học trước, làm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong học tập và làm theo phong cách của Bác.
Xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay nhằm ngân cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng với lời thơ chúc mừng nhân dịp 30 năm ngày thành lập Đảng của Bác Hồ kính yêu: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh!” /. Từ Quang Hóa